Miền Bắc nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân ít tham gia các hoạt động vui chơi bên ngoài nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao so với thông thường. Trước thực trạng đó, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) tăng cường nhiều giải pháp bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn.
Tháng 2-2022, gia đình chị Vũ Thị Nga, ở xóm Vải, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) phải thanh toán số tiền điện 1,2 triệu đồng (tăng 900 nghìn đồng so với tháng 1-2022). Chị Nga giải thích: Do trời rét nên gia đình tôi thường xuyên phải sử dụng nhiều thiết bị làm ấm (như đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ, bình tắm nóng lạnh). Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên con tôi phải học online, hạn chế vui chơi bên ngoài càng khiến lượng điện tiêu thụ tăng lên.
Tương tự, đối với gia đình anh Ngô Quang Bắc, ở tổ 4, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 2-2022 cao gấp 2 lần so với tháng trước đó.
Anh Bắc chia sẻ: Cũng như nhiều nhà khác, vào mùa Đông, gia đình tôi cũng thường xuyên sử dụng thiết bị làm ấm tiêu tốn nhiều điện năng. Hơn nữa, vừa qua, do thời tiết mưa nhiều, nồm ẩm nên gia đình phải mua thêm tủ sấy quần áo, máy hút ẩm không khí… cũng tiêu tốn nhiều điện năng.
Sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh trong tháng 2-2022 ước đạt 292,7 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch và Vật tư (PC Thái Nguyên), cho biết: Trong năm vừa qua, PC Thái Nguyên đã thay mới thêm 74 trạm biến áp (TBA) với tổng kinh phí trên 206 tỷ đồng (tổng công suất 16.270kVA); xây dựng mới và cải tạo 77,2km đường dây trung thế và 180,15km đường dây hạ thế. Năm 2022, PC Thái Nguyên tiếp tục triển khai 5 dự án chống quá tải tại các huyện, thị trong tỉnh với quy mô xây dựng mới 36 TBA chống quá tải, 57km đường dây trung thế, 111km đường dây hạ thế. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới, PC Thái Nguyên cũng chỉ đạo điện lực 9 huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra kỹ thuật đường dây và trạm biến áp cung cấp điện trên địa bàn…
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, ngàng Điện cũng nâng cao chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đặc biệt là triển khai nhiều giải pháp, công khai, minh bạch trong hoạt động ghi chỉ số công tơ và phát hành hóa đơn tiền điện.
Theo đó, PC Thái Nguyên thực hiện nghiêm túc việc ghi chỉ số công tơ được thống nhất trong hợp đồng mua bán điện, niêm yết công khai lịch ghi chỉ số trên Website của Công ty và các phòng giao dịch khách hàng; lắp đặt trên 216 nghìn công tơ đo xa (chiếm tỷ lệ 60% công tơ treo trên lưới).
Qua đó có thể kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động của hệ thống đo đếm, phát hiện kịp thời các khiếm khuyết để khắc phục ngay, đảm bảo thu thập kịp thời, đầy đủ dữ liệu, đáp ứng yêu cầu cung cấp dữ liệu lên Website CSKH (https://cskh.npc.com.vn/), ứng dụng CSKH để khách hàng có thể tra cứu chỉ số điện.
Bên cạnh đó, các điện lực có thể theo dõi, kiểm soát tất cả khách hàng có sản lượng tăng giảm bất thường để cảnh báo và hỗ trợ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, để bảo đảm cung cấp điện ổn đinh, an toàn, PC Thái Nguyên khuyến cáo khách hàng sử dụng điện hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện vào giờ cao điểm; hướng dẫn người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện từ sau công tơ đến các thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình, để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc thay thế dây dẫn sau công tơ, các thiết bị điện không đảm bảo vận hành, thực hiện thay thế dây dẫn, các thiết bị bảo vệ trong gia đình như cầu dao cầu chì, aptomat phù hợp với phụ tải để tránh quá tải và gây cháy nổ…