Đối thoại với Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh chiều 12-4, đại diện 52 doanh nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên nêu nhiều kiến nghị: Cần có lộ trình phù hợp trong việc thực hiện hóa đơn điện tử với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể; mở rộng nguồn dẫn vốn vay cho các doanh nghiệp; để doanh nghiệp tự chủ động việc tái định cư cho người dân khi thực hiện thu hồi đất triển khai dự án…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng, hiện nay, công tác thanh, kiểm tra còn chồng chéo và đề nghị các nội dung cụ thể: Xóa nợ thuế đối với những đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, tạm dừng hoạt động; có giải pháp giải quyết vấn đề thiếu, thừa đất san lấp thực hiện dự án; rút ngắn quy trình, thủ tục đối với các dự án đầu tư công; đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án; có báo cáo đầy đủ, chi tiết việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thời gian vừa qua…
Đại diện một số sở, ngành của tỉnh, T.P Thái Nguyên đã giải thích, làm rõ những nội dung các doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Riêng đối với việc thanh, kiểm tra chồng chéo, đại diện Thanh tra tỉnh khẳng định đã rà soát, loại bỏ nhiều cuộc thanh tra trong năm 2021, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị, phản ánh nếu phát hiện việc thanh, kiểm tra chồng chéo của lực lượng chức năng.
Trả lời về việc thiếu đất san lấp, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường thông tin, theo quy hoạch, toàn tỉnh hiện có 83 điểm mỏ, trong đó, đã cấp phép 14 điểm mỏ. Qua rà soát, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu thực tế đất san lấp trên địa bàn tỉnh là khoảng 5-6 triệu m3/năm, cao hơn thực tế đáp ứng khoảng 2-3 triệu m3/năm. Về vấn đề này, các sở, ngành liên quan của tỉnh đang tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản để làm căn cứ cấp giấy phép khai thác các điểm mỏ trong thời gian tới.