Chủ động trước thiên tai

10:58, 22/05/2022

Phòng, chống thiên tai, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các cấp, ngành của tỉnh và mọi người dân quan tâm thực hiện. Các hoạt động thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai được tăng cường. Hoạt động theo dõi, cảnh báo thiên tai tại các trạm đo mưa tự động, hệ thống theo dõi, giám sát mực nước trên sông, hồ chứa đảm bảo nhanh, chính xác, thông tin kịp thời giúp địa phương có phương án ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Tháng 5, từng trận mưa rào đổ xuống núi rừng Việt Bắc. Lòng sông Cầu đầy nước, dềnh lên một màu đỏ ối. Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Tháng 5 năm nay, Thái Nguyên có tổng lượng mưa cao hơn từ 10-20% so với cùng kỳ nhiều năm trước. Trạm thủy văn Gia Bẩy (TP. Thái Nguyên) và Trạm thủy văn Chã (TP. Phổ Yên) ghi nhận các trận lũ nhỏ, biên độ lũ lên từ 1-3 mét. Dự báo tháng 6 có xuất hiện đỉnh lũ ở mức báo động cấp I, cấp II.

Mùa mưa lũ đã bắt đầu. Ngay những tháng đầu năm 2022, một đợt mưa kéo dài kèm rét đậm, rét hại xảy ra vào trung tuần tháng Hai đã gây sạt lở tuyến đường liên xã Bảo Linh - Thanh Định (Định Hóa). Mưa làm ngập úng cục bộ gây thiệt hại gần 44ha lúa và hoa màu trên toàn tỉnh.

Ẩn họa khôn lường thiên tai gây ra gợi cho mọi người liên tưởng đến sự bất an từ mùa mưa lũ năm trước, với 20 đợt thiên tai xảy ra làm 6 người bị thương; 247 ngôi nhà; 4 điểm trường, 8 công trình văn hóa... nhiều công trình phúc lợi xã hội bị hư hỏng, tổng thiệt hại về tài sản hơn 21 tỉ đồng.

Ngay sau thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã tổ chức đoàn công tác về hiện trường, động viên người dân vùng bị ảnh hưởng khắc phục khó khăn, sớm phục hồi sản xuất.

Trong năm 2011, Quỹ PCTT-TKCN của tỉnh đã cấp gần 16 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khắc phục về nhà ở; sản xuất và tổ chức cho lực lượng dân quân tập huấn, diễn tập. Ngân sách tỉnh cũng đã cấp 76 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập, đê điều đảm bảo chống lũ.

Đồng bào người Mông ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ.

Để người dân an toàn trước thiên tai, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã vận động, huy động xây mới và sửa chữa nhà ở cho 713 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 44 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống thiên tai luôn được coi trọng, điều đó được thể hiện bằng sự vào cuộc của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp. Riêng Ban Chỉ huy cấp tỉnh đã ban hành 4 công điện, 11 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động ứng phó thiên tai. 1 máy scan được Ban Chỉ huy trang bị cho Văn phòng Thường trực PCTT-TKCN tỉnh. Nhờ đó, công tác tham mưu, điều hành phòng chống, ứng phó thiên tai kịp thời.

Quỹ Cộng đồng PCTT-TKCN tỉnh cũng đã hỗ trợ lắp đặt 10 trạm đo mưa tự động, giúp công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng nhanh, hiệu quả. Đã có 93 bản tin bão; 76 bản tin cảnh báo mưa dông; 100 bản tin cảnh báo mưa lớn; 64 bản tin cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh được chuyển tải đến người dân kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai.

Công tác PCTT-TKCN đã huy động được sức mạnh của các cấp, ngành và sự tham gia của toàn dân. Điển hình phải kể đến các đơn vị như Công an tỉnh, ngoài tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về PCTT-TKCN cho người dân, còn tổ chức mở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng điều khiển xuồng máy cho lực lượng nòng cốt tham gia cứu nạn, cứu hộ sông nước.

Hội Chữ thập đỏ; Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân các cấp tổ chức truyền thông cho hàng nghìn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và nhân dân về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ năng PCTT-TKCN.

Hiện, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã thành lập được đội xung kích PCTT-TKCN với tổng số gần 13.000 thành viên.

Tất cả đã sẵn sàng. Các phương án PCTT-TKCN được xây dựng sát với từng khu vực dân cư, nhất là những vùng trũng ven sông, suối, hồ đập và các xóm bản vùng cao, miền núi. Mọi hoạt động theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai được tăng cường. Giải pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập được triển khai. Các địa phương cũng đã chủ động nhân lực, vật lực để ứng phó khi xảy ra tình huống bão, lũ.