Những năm gần đây, huyện Đại Từ được biết đến là “cực hút” đầu tư, khi nhiều dự án được triển khai trên địa bàn. Nắm bắt được thông tin đó, một số hộ dân đã tự ý xây dựng nhà ở, cơi nới các công trình để “đón” đền bù. Để tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, huyện Đại Từ đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, đảm bảo các dự án trên địa bàn được triển khai thuận lợi.
Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (gọi tắt là Dự án Tuyến đường liên kết vùng) đi qua huyện Đại Từ là một ví dụ. Để triển khai Dự án, huyện đã phổ biến về các nội dung liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng; ban hành thông báo thu hồi đất đối với các địa phương trong vùng Dự án là xã Ký Phú, Cát Nê và thị trấn Quân Chu. Bên cạnh đó, huyện thực hiện thống kê đất đai, tài sản của các hộ dân, ghi hình hiện trạng toàn bộ tuyến…
Đối với Cát Nê, tổng chiều dài tuyến đường liên kết vùng, đoạn qua địa phận xã dài 6,23km, trong đó, 4 xóm có diện tích đất và tài sản bị ảnh hưởng gồm: Trung Nhang, Đồng Nghè, La Lang, Thậm Thình, với gần 150 hộ bị ảnh hưởng, dự kiến diện tích đất thu hồi gần 20ha. Tuy nhiên, một vài hộ dân sau khi nắm được thông tin về Dự án vẫn cố tình làm hàng rào sắt, cột bê tông và dây thép gai quây quanh các thửa đất nông nghiệp, trồng cây, cơi nới nhà ở và công trình phụ bằng cách ốp đá galito lên tường các công trình với mục đích "đón" bồi thường.
Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nê, cho biết: Các xóm có trường hợp vi phạm đều nằm xa trung tâm xã, các hộ dân sinh sống rải rác, địa bàn rộng nên việc quản lý rất khó khăn. Thêm vào đó, việc thực hiện cơi nới các công trình thường diễn ra nhanh chóng vào ban đêm. Tuy vậy, sau khi tổ công tác của xã đến làm việc, các gia đình đều nhận thức được việc làm của mình là sai quy định và tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình, cam kết không tái phạm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.
Ngoài dự án nói trên, hiện tượng "đón" đền bù cũng xuất hiện tại một số công trình khác, như Dự án Khu dân cư nông thôn mới xã Tân Thái và Khu nhà ở kết hợp du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, các công trình vi phạm đã bị chính quyền địa phương, lực lượng chức năng yêu cầu tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu ngay sau khi bị phát hiện.
Thực tế cho thấy, khi "đón" đền bù, mong muốn nhận được tiền đền bù thì chưa đạt được, song trước mắt, người dân đã lãng phí tiền của, công sức vào những công trình không đáp ứng nhu cầu thật sự. Như tình cảnh “xôi hỏng bỏng không” diễn ra tại xóm Bãi Chè, xã An Khánh nhiều năm trước đây là bài học.
Trước khi Nhà máy Nhiệt điện An Khánh được xây dựng và đưa vào hoạt động (năm 2015), tại xóm Tràm Hồng (nay là xóm Hồng Nghè), Dự án dự kiến đứng chân trên đất Bãi Chè. Nhưng rồi, việc người dân xây dựng "đón" đền bù tràn lan đã khiến chủ đầu tư phải tính toán lại và quyết định di dời Dự án đến địa điểm khác. Không "đón" được đền bù, không ít hộ dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, các công trình xây dựng thì vẫn nằm trơ ở đó, nhà ở được xây dựng nhằm mục đích "đón: đền bù cũng không ai dám ở vì không đảm bảo an toàn… Trải qua thời gian, một số đoạn tường rào bị nứt vỡ, để lộ ra phần lõi trống rỗng. Ở xóm Hồng Nghè, nhiều ngôi nhà bỏ hoang, đã mục nát, xung quanh cỏ mọc um tùm, dây leo phủ kín lối đi vẫn tồn tại đến tận ngày nay.
Từ đầu năm đến nay, huyện Đại Từ đã liên tục tiến hành các cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là các xã có dự án triển khai, như: Tân Thái, Tiên Hội, Hà Thượng, Cát Nê, thị trấn Quân Chu… Trong đó, huyện thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với trên 20 trường hợp, với tổng số tiền gần 170 triệu đồng. Đồng thời, huyện cũng kiểm tra, đôn đốc trên 30 tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, khẳng định: Việc xây dựng đón đền bù sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án, làm "đội" vốn, gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Không những thế, hành vi này còn gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư của địa phương, tạo dư luận không tốt đối với những cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm túc. Do vậy, thời gian tới, huyện Đại Từ sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.