Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong mọi mặt của đời sống xã hội và báo chí cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Đối với Thái Nguyên, các cơ quan báo chí trên địa bàn cũng bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong sản xuất...
Tháng 2-2022, nhóm phóng viên điện tử của Báo Thái Nguyên thực hiện và đăng tải loạt bài viết liên quan đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại bất động sản Nhật Nam (trụ sở tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh; có chi nhánh tại TP. Thái Nguyên). Nội dung nhấn mạnh những bất thường trong vấn đề huy động vốn; mập mờ về pháp lý và cảnh báo nguy cơ có thể mất trắng đối với nhà đầu tư. Cùng với báo in, báo điện tử, bài viết được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook với hàng triệu lượt xem và tiếp cận. Đây là một ví dụ điển hình về vai trò của nền tảng công nghệ đã giúp cho các vấn đề thời sự được báo chí phản ánh đến gần hơn với nhiều đối tượng công chúng.
Nhà báo Quốc Tuân, Báo Thái Nguyên, chia sẻ: Sau loạt bài viết, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi, chia sẻ, tương tác của độc giả. Đây chính là tư liệu quan trọng để phóng viên xây dựng kế hoạch và thực hiện những nội dung liên quan tiếp theo. Thực tế, số người theo dõi Fanpage của Báo Thái Nguyên ngày càng đông, rất nhiều người tin tưởng nhắn tin trực tiếp hoặc ở phần bình luận bài viết để cung cấp những thông tin, vấn đề thời sự cho cơ quan báo chí.
Những năm gần đây, Báo Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn bộ quy trình quản lý, vận hành và sản xuất tác phẩm báo chí. Bên cạnh việc tận dụng thế mạnh từ nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Youtube…để tiếp cận và nhận phản hồi nhanh chóng từ công chúng, Báo Thái Nguyên còn tập trung xây dựng toà soạn hội tụ, trong đó lấy báo điện tử làm trung tâm. Mọi quy trình vận hành, sản xuất báo chí đều được thực hiện khép kín, rõ nội dung và trách nhiệm ở mỗi khâu.
Ông Chu Thế Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, thông tin: Tòa soạn đã xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến, app Báo Thái Nguyên cho nền tảng di động và giới thiệu mã QR đọc báo in trên các thiết bị công nghệ. Để tăng tính hấp dẫn và hiệu quả tuyên truyền, Báo Thái Nguyên quan tâm thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện, tích hợp âm thanh, hình ảnh, video, đồ hoạ và phần lời trong một tác phẩm báo chí. Từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của công chúng hiện đại.
Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại huyện Định Hoá.
Đối với Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, vấn đề chuyển đổi số cũng được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm. Nội dung trọng tâm là cấu trúc và chuyển đổi số để hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành sản xuất và phân phối nội dung số theo hướng hội tụ, đa nền tảng và hạ tầng. Điển hình như: Số hóa và ISO điện tử quy trình sản xuất và phân phối nội dung với khoảng hơn 30 quy trình nghiệp vụ; hiện đại hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ; số hoá nội dung từ khâu ý tưởng đề tài, triển khai thực hiện, biên tập, sản xuất và phân phối.
Hiện, Đài đã bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất một số tin tức tự động, biên dịch và MC ảo cho thông tin thời sự. Và dự kiến sắp tới, đơn vị sẽ phát triển riêng một MC ảo để phục vụ công tác tuyên truyền. Ông Lê Hữu Nhân, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình, cho biết: Mục tiêu chuyển đổi số của Đài là nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tăng năng suất lao động và đáp ứng yêu cầu thụ hưởng thông tin của công chúng cũng như yêu cầu tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh; từng bước sẵn sàng cho đặt hàng và giao nhiệm vụ của Chính phủ, của tỉnh theo quy hoạch quản lý và phát triển báo chí địa phương.
Không nằm ngoài xu hướng dịch chuyển chung, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cũng có những bước đi vững chắc về chuyển đổi số. Tổng Biên tập Tạp chí Trần Văn Thép tự hào: Văn nghệ Thái Nguyên là một trong số ít toà soạn văn nghệ cấp tỉnh xây dựng được tạp chí điện tử sản xuất một số tác phẩm thế mạnh về lĩnh vực này như: Emagazine, Inforgraphic, Longform…; livestream trực tiếp một số sự kiện văn học, nghệ thuật trên nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt trong dịp này, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ cho ra mắt chuyên mục video “Muôn nẻo đường quê” và một kênh podcast có tên là “Xóm Chòi” - theo tên di tích nơi ở và làm việc của Hội Văn nghệ Việt Nam tại xã Mỹ Yên (Đại Từ)…
Có thể khẳng định, hành trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí chắc chắn đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm và cả những trợ lực từ cơ chế chính sách. Với sự chủ động, các giải pháp phù hợp và lộ trình cụ thể, các cơ quan báo chí Thái Nguyên đã có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giúp báo chí giữ vững vai trò là kênh thông tin chính thống, định hướng dư luận và ngày càng gần gũi hơn với đa dạng công chúng.