Trên địa bàn xã Kha Sơn (Phú Bình) có 7 điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong đó có 3 điểm di tích là Nền nhà ông Cao Nhật (xóm Ca), bia Rừng Rác (xóm Soi) và bia Rừng Mấn (xóm Trại Điện) đang xuống cấp nghiêm trọng. Người dân địa phương mong muốn các cấp, ngành sớm quan tâm trùng tu, tôn tạo những điểm di tích này để phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử.
Lịch sử Đảng bộ xã Kha Sơn ghi lại, nhà ông Cao Nhật (tên thật là Nguyễn Văn Nội) là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của huyện Phú Bình; là nơi ở, làm việc của các đồng chí cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939-1945 như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Lê Hoàng...
Còn Rừng Rác là nơi đồng chí Ngô Thế Sơn, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Tổ trung kiên gồm ông Nguyễn Văn Nội, Nguyễn Trọng Thanh (tức Bình Sơn), Nguyễn Văn Thiện (tức Sứ). Đây là tiền thân chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phú Bình.
Rừng Mấn là nơi đặt Trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ và mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Đảng thời kỳ 1939-1945.
Năm 1997, cả 3 điểm di tích trên được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Được cán bộ xã Kha sơn dẫn đến các điểm di tích, chúng tôi thấy, đường vào các điểm di tích nhỏ hẹp. Tại mỗi di tích được đặt 1 tấm bia đá nhưng không có mái che. Qua thời gian, các dòng chữ trên bia đã bị mờ; tấm đá khắc chữ bị rạn nứt; bục của tấm bia bị mẻ, vỡ…
Riêng điểm di tích Nền nhà ông Cao Nhật cỏ dại mọc um tùm, không có lối vào. Còn bia di tích Rừng Rác, Rừng Mấn được đặt nhờ trong khuôn viên của hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng xóm Ca bày tỏ: Khi có một điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn, chúng tôi rất vinh dự, tự hào. Tuy nhiên, hiện nay bia đá đặt tại các điểm di tích đã xuống cấp do xây dựng từ lâu. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm, xây dựng nhà bia tại các điểm di tích tương xứng với giá trị của di tích.
Bà Kiều Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn thông tin: Xã có 7 điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia thì 4 điểm là: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn thượng, đình Kha Sơn hạ và chùa Ca đã được đầu tư tôn tạo. Còn 3 điểm di tích là Nền nhà ông Cao Nhật, Rừng Rác và Rừng Mấn, các tấm bia đá đã xuống cấp nghiêm trọng. Xã đã lập tờ trình, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, tu bổ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Bình cho biết: Nhằm phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn, hàng năm, Phòng đều phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát hiện trạng các di tích được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Căn cứ mức độ xuống cấp của các di tích, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tu bổ, tôn tạo. Đối với các điểm di tích Nền nhà ông Cao Nhật, Rừng Rác và Rừng Mấn, Phòng đã tham mưu với UBND huyện có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục tu bổ, tôn tạo năm 2022. Tuy nhiên, đến nay Sở vẫn chưa ban hành kế hoạch tu bổ, tôn tạo.
Mong muốn của người dân về việc trùng tu, tôn tạo các điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia xuống cấp trên địa bàn huyện Phú Bình là chính đáng. Các cấp, ngành cần sớm quan tâm xây dựng, tu bổ để các điểm di tích tương xứng với giá trị và ý nghĩa lịch sử; trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.