“Từ xa, từ sớm”

12:29, 23/07/2022

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra các hình thái thiên tai nguy hiểm như: Sạt lở đất, đá; lũ ống; lũ quét… gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Chính vì vậy, việc chủ động các phương án ứng phó trong mùa mưa nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại luôn được chính quyền các địa phương và ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Nằm ở khu vực chân bãi đổ thải của Mỏ than Minh Tiến, xã Na Mao (Đại Từ) được xác định là vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra các hiện tượng sụt lún, sạt lở đất. Mỗi khi trời mưa to, xuất hiện dòng chảy từ trên núi xuống kèm theo đất, cát, khiến nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực xóm Ao Soi,xã Na Mao luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, trong những ngày mưa kéo dài, xã đã vận động di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn; đồng thời, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí lực lượng canh gác, không cho người dân qua lại. 

Tương tự, tại xã Hoàng Nông (Đại Từ) cũng có 3 điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở ở chân núi Vuốt, núi Quạt Nan và núi Tam Đảo. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khi có mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã phân công người trực 24/24 giờ để theo dõi mực nước và thông báo kịp thời về các xóm; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để có phương án di dời người dân lên vùng an toàn. Trong tình huống khẩn cấp, chúng tôi sẽ sử dụng các hiệu lệnh như: Còi, kẻng, hệ thống loa truyền thanh và điện thoại để chỉ đạo tất cả các xóm huy động lực lượng tham gia ứng phó theo từng cấp độ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn lại bị chia cắt bởi nhiều khe suối nước chảy quanh năm nên các xã: Hoàng Nông, Mỹ Yên, Đức Lương, Tân Linh, Ký Phú, Quân Chu, thị trấn Quân Chu… là những địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét của huyện Đại Từ. Ngoài ra, khu vực bãi đổ thải của các mỏ khai thác khoáng sản ở các địa phương: Na Mao, Phú Cường, Phục Linh, Quân Chu, Tân Thái… cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Từ: Ngay từ đầu mùa mưa, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; tuyên truyền, vận động những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn.

Để đảm bảo an toàn, xã Na Mao (Đại Từ) đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí lực lượng canh gác, không cho người dân qua lại khu vực chân bãi thải của Mỏ than Minh Tiến khi trời mưa to.

Đối với huyện vùng cao Võ Nhai, trong mùa mưa bão năm nay, địa phương xác định các khu vực ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gồm: Xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng; xóm Tân Kim, xã Thần Sa; các xóm dọc Quốc lộ 1B thuộc xã La Hiên; tổ dân phố Thái Long, Bãi Lai, Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả…

Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Võ Nhai, cho biết: Chúng tôi thường xuyên theo dõi và cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông tin kịp thời tới các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã nhằm cảnh báo tới người dân trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, tổ chức lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách nhận biết cũng như kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh.

Còn tại huyện Đồng Hỷ, sạt lở đất, đá chủ yếu xảy ra ở vùng núi cao thuộc các xóm: Làng Mới, Lân Quan, Đồng Luông, Mỏ Ba, xã Tân Long; Liên Phương, Mỏ Nước ở xã Văn Lăng; Hoan, Khe Cạn, Suối Găng, xã Cây Thị. Ngoài ra, hoạt động khai thác đá tầng cao ở các xã: Quang Sơn, Tân Long, Hoà Bình... cũng gây nguy cơ mất an toàn. Do đó, huyện đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã chủ động phương án phối hợp với đơn vị khai thác nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống xung quanh. 

Với đặc điểm địa hình có tỷ lệ đồi núi cao, độ dốc lớn, có hệ thống sông, suối dày nên hằng năm, Thái Nguyên thường chịu nhiều thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá… Trong năm 2021, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 6 người bị thương. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản khoảng 22,2 tỷ đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người tử vong do sạt lở đất. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ thiên tai như: Sạt lở đất, sạt lở bờ sông, lũ ống, lũ quét...

Đến nay, Thái Nguyên có 10 trạm đo mưa tự động, 2 trạm đo thủy văn. Các thông tin dự báo về tình hình mưa lũ, cảnh báo khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất đều được Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin kịp thời tới các thành viên Ban Chỉ huy và các địa phương để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, 100% chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đều xây dựng phương án ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp độ, đặc biệt là phương án ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả”.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cũng được khuyến cáo nâng cao ý thức cảnh giác, theo dõi diễn biến thời tiết và sẵn sàng phương án di chuyển khi có sự cố xảy ra.