Thời gian này đang là cao điểm của mưa bão. Hiện nay đã xuất hiện cơn bão số 2 và khả năng những ngày tới tiếp tục xuất hiện các cơn bão số 3, số 4… Thái Nguyên mặc dù ít có bão đi qua, nhưng ảnh hưởng hoàn lưu bão, mưa lớn là khá phổ biến. Do vậy, công tác chủ động điều tiết nước hồ đập, cống xả lũ, tiêu úng, bảo vệ công trình phòng lũ luôn phải được quan tâm, đề phòng từ sớm, từ xa.
Vận hành, điều tiết các công trình phòng, chống lụt bão trên địa bàn thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên. Trước mỗi lần có cảnh báo bão, mưa lớn diện rộng, đơn vị này đều có văn bản khẩn chỉ đạo các xí nghiệp, trạm, cụm khai thác thủy lợi ở các địa phương trong tỉnh triển khai phương án điều tiết nước tại các công trình phòng lũ theo mức độ cảnh báo.
Trước cảnh báo về cơn bão số 2 lần này cũng vậy. Khi có thông tin cơn bão đổ bộ từ vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng vào đất liền, gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận (từ ngày 10 đến 12-8), Công ty đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi. Trong đó, chú trọng kiểm tra các hạng mục như đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, hệ thống kênh mương. Đặc biệt là kiểm tra và gia cố các vị trí xung yếu để ứng phó kịp thời.
Công ty cũng yêu cầu các đơn vị khai thác thủy lợi liên tục theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, trực ban 24/24h theo đúng phương án phòng, chống lụt bão đã phê duyệt, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm trực tại các công trình, không lơ là, chủ quan. Nhất là trong thời điểm mưa bão như hiện nay, tình hình an toàn công trình, mực nước, lượng mưa phải được cập nhật thường xuyên, báo cáo theo giờ cụ thể về Công ty để có hướng chỉ đạo kịp thời.
Hệ thống hồ đập, trong đó có hồ Núi Cốc - công trình trọng điểm số 1 của tỉnh luôn được Công ty đặc biệt quan tâm. Trước mỗi cảnh báo bão và mưa lớn, Công ty đều yêu cầu lực lượng quản lý các công trình phải điều tiết mực nước tạo dung tích phòng lũ theo quy trình. Phối hợp với chính quyền địa phương thông báo về tình hình xả lũ qua tràn, khả năng ngập úng sau khi xả lũ để nhân dân chủ động phương án, tránh thiệt hại.
Đối với các đập dâng, Công ty cũng yêu cầu kiểm tra kỹ các đập tràn, sân tiêu năng, cống lấy nước, các vị trí quan trọng khác để phát hiện, xử lý những vị trí xuống cấp. Trong đó, chú trọng các đập dâng xây theo hình thức đập kết hợp cầu tràn vừa cấp nước sản xuất nông nghiệp vừa phục vụ đi lại của nhân dân.
Đối với cầu tràn, khi mực nước dâng cao xấp xỉ mặt cầu phải bố trí lực lượng canh gác hai đầu cầu để hướng dẫn hoặc nghiêm cấm đi qua cầu, nhất là vào ban đêm.
Đối với các trạm bơm, trong đó có trạm bơm tiêu úng Cống Táo ở Phổ Yên cần kiểm tra toàn bộ hệ thống máy bơm, động cơ điện, hệ thống truyền tải điện sẵn sàng bơm tiêu úng khi cần thiết…
Với sự chủ động phòng bão từ sớm, từ xa của các đơn vị quản lý, thời gian qua hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn, đảm bảo tốt công tác phòng lũ. Tuy nhiên, thiên tai luôn gây ra những bất ngờ, nếu không có sự chủ động, chuẩn bị tốt các phương án tại chỗ, hậu quả sẽ khôn lường.