Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), một trong những mục tiêu quan trọng tỉnh Thái Nguyên đặt ra là sớm số hóa toàn bộ dữ liệu hộ tịch, nhằm phục vụ cho giải quyết các dịch vụ công trực tuyến. Với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của Bộ Công an và vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, mục tiêu này bước đầu đã đạt kết quả tích cực.
Cụ thể hóa kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án 06, từ ngày 23-7-2022, Công an tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực đã phối hợp Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an) và các sở, ngành, địa phương thực hiện thí điểm nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư tại 4 xã, phường gồm: Gia Sàng, Quang Trung (TP. Thái Nguyên) và Thành Công, Phúc Thuận (TP. Phổ Yên).
Theo đó, mỗi địa phương được bổ sung 3 máy vi tính kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để triển khai nhập dữ liệu hộ tịch có từ tháng 10-2019 trở về trước. Mỗi máy tính sẽ được bố trí 2 cán bộ để nhập dữ liệu hộ tịch và đối soát thông tin.
Kết quả ban đầu cho thấy, trung bình mỗi địa phương thí điểm nhập được 100 dữ liệu hộ tịch công dân/08 giờ. Dữ liệu sau khi nhập xong được lưu lại và chuyển sang cho trưởng công an cấp xã đối chiếu; trường hợp đúng sẽ phê duyệt, nếu chưa trùng khớp thì để lại rà soát, xác minh.
Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) chia sẻ: Chúng tôi tập trung triển khai với tinh thần quyết tâm cao nhất. Lực lượng Công an xã phối hợp với công chức Tư pháp và một số cán bộ chuyên môn tranh thủ làm thêm buổi tối và tất cả ngày nghỉ. Căn cứ khối lượng công việc đã xử lý, Phúc Thuận có thể hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trước ngày 14-8.
Tinh thần khẩn trương, quyết liệt cũng được phường Gia Sang, Quang Trung và xã Thành Công tập trung thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. Theo thống kê, tính đến ngày 8-8, các địa phương được chọn thí điểm đã tổ chức nhập, làm sạch thông tin hộ tịch trên hệ thống với 23.711 hồ sơ, đạt tỷ lệ 55,1%. Cung cấp dữ liệu hộ tịch đã được số hóa cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) để phân tích, đối khớp cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Thực tế, quá trình triển khai thí điểm cũng có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể như: Một số dữ liệu về hộ tịch không trùng khớp; phần mềm chưa thực hiện được chức năng đối sánh giữa dữ liệu nhập vào với dữ liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư nên chưa thể phát hiện thông tin nhập vào là đúng hay sai; việc chưa kết nối đồng bộ khiến quá trình nhập dữ liệu cần nhiều thao tác và tốn thời gian; chưa có hướng dẫn cụ thể với các trường hợp đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh nhưng chuyển khẩu đi nơi khác...
Để tháo gỡ, Tổ công tác của tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ về mặt kỹ thuât; liên tục tổ chức các buổi làm việc để đưa ra giải pháp cụ thể; đồng thời đề nghị hoàn thiện phần mềm số hóa dữ liệu hộ tịch nhằm khai thác tối đa các trường thông tin đã có trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Riêng với nội dung dữ liệu, bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Các xã, phường thí điểm sẽ tập trung hoàn thiện số hoá phần thông tin đã trùng khớp; đồng thời, ngành Tư pháp và Công an sẽ phối hợp chặt chẽ để có giải pháp xử lý phần thông tin có sự sai lệch.
Xác định triển khai thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, tại hội nghị mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã giao các sở, ngành, địa phương đến 30-10-2022 hoàn thành nhập thông tin sổ hộ tịch trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong toàn tỉnh, sử dụng thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Đề hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cung cấp, lắp đặt thêm 230 bộ máy tính phục vụ yêu cầu công tác. Các địa phương, sở, ngành liên quan cũng tăng cường phối hợp, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành số hóa dữ liệu về hộ tịch theo kế hoạch.
Số hóa sổ hộ tịch là quá trình thu thập, phân loại, scan/chụp và tạo lập các file dữ liệu hộ tịch dưới dạng file Excel từ các sổ hộ tịch gốc để thực hiện cập nhật vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Sau khi hoàn thành, các dữ liệu hộ tịch cũ sẽ được chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. |