Nghịch lý thiếu đất đóng bầu ươm cây giống ở miền núi Phú Lương

Dương Hưng 10:19, 22/12/2022

Thời gian gần đây, nhiều vườn ươm cây giống trên địa bàn huyện Phú Lương có nguy cơ đóng cửa. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các chủ vườn ươm mà còn ảnh hưởng đến người trồng trọt, trồng rừng trong và ngoài huyện. Nguyên nhân của tình trạng này là do khan hiếm nguồn cung cấp đất đóng bầu ươm cây giống…

Lượng đất dùng để đóng bầu ươm cây giống của vườn ươm Thu Phương (xóm Đuổm, xã Động Đạt, Phú Lương) chỉ còn đủ sử dụng trong năm nay.
Lượng đất dùng để đóng bầu ươm cây giống của vườn ươm Thu Phương (xóm Đuổm, xã Động Đạt, Phú Lương) chỉ còn đủ sử dụng trong năm nay.

Huyện Phú Lương có nhiều lợi thế về quỹ đất rừng nên đã trở thành “thủ phủ” cung cấp hàng chục triệu cây giống mỗi năm cho bà con trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng về việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp để phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2023, trên địa bàn hiện chỉ còn 15 vườn ươm (giảm 50% số vườn ươm so với năm 2021).

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, cho biết: Năm 2022, các vườn ươm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ vườn phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Nguyên nhân một phần do thị trường, nhưng chủ yếu là do thiếu nguồn đất đóng bầu ươm giống. Trước, các chủ vườn ươm thường mua hoặc xin đất thừa của nhà dân bị sạt lở trên địa bàn huyện về phối trộn để đóng bầu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chính quyền các cấp siết chặt công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản nên hầu hết các vườn ươm không thể mua được đất đóng bầu.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, chủ vườn ươm Thuyết Hương, xóm Đuổm, xã Động Đạt, cho biết: Trước đây, chúng tôi mua đất ở những khu vực đảm bảo về chất lượng, sau đó đem về nghiền và phối trộn với phân là có thể đóng bầu tra giống. Tuy nhiên, năm nay chúng tôi không thể xin hoặc mua được đất vì chính quyền địa phương siết chặt, các trường hợp vận chuyển đất ra khỏi thửa đều bị xử lý. Mặc dù chúng tôi cũng đi đến các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh hoặc những vùng lân cận để tìm mua đất, nhưng thường là đất pha nhiều sỏi, đá nên không thể sử dụng được. Do không có đất, chúng tôi đã phải tạm dừng hoạt động 3 vườn ươm. Mấy vườn đang ươm giống là do đất đóng bầu còn tồn lại từ năm trước, nhưng cũng đã hết.

Còn bà Nguyễn Thu Phương, chủ vườn ươm Thu Phương, ở xóm Đuổm, xã Động Đạt, nói: Quy mô vườn ươm của gia đình là hơn 3 triệu cây/năm nên sử dụng số lượng đất đóng bầu khoảng gần 300m3/năm. Năm 2022, khối lượng đất đóng bầu tích trữ được từ năm trước vẫn còn đủ để đóng bầu ươm cây giống cho vụ trồng rừng năm 2023. Số lượng đất còn lại khoảng 60m3 chỉ đáp ứng đủ 1/3 công suất cho vụ ươm năm 2024. Hiện nay, tôi cũng chưa tìm được nguồn đất để bù vào số lượng đất còn thiếu hụt.

Qua tìm hiểu tại các vườn ươm, chúng tôi thấy đều có chung tình trạng thiếu nguồn đất. Ông Nguyên Văn Ngọc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Anh, xã Yên Lạc, cho biết: HTX có 22 thành viên, trong đó có 19 thành viên đầu tư vườn ươm, với quy mô sản suất 10 triệu cây giống/năm, nhu cầu sử dụng khoảng 1.000m3 đất để đóng bầu/năm. Năm nay, một số vườn ươm của các thành viên thiếu đất đóng bầu, vừa qua, HTX cũng đã tìm 1 số nguồn đất tại mỏ để thử nghiệm, nhưng không phù hợp để đóng bầu, cây giống không phát triển được. Nếu cứ tình trạng này, năm 2023 sẽ không có nguồn đất để ươm cây giống…

Theo lãnh đạo huyện Phú Lương, việc thiếu nguồn đất đóng bầu của các vườn ươm không chỉ ảnh hưởng đến quy mô sản xuất của các HTX, các chủ vườn ươm mà còn ảnh hưởng đến trồng rừng sản xuất của người dân. Việc làm, thu nhập của hàng trăm lao động thường xuyên tại các vườn ươm cũng bị ảnh hưởng. Bởi thế huyện rất mong các cấp chính quyền có cơ chế, giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay của các vườn ươm.