Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đi vào cuộc sống đã và đang tạo nên luồng sinh khí mới, dần làm thay đổi tổng thể và toàn diện từ cá nhân đến tổ chức về cách sống, cách làm việc cũng như phương thức sản xuất. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều giải pháp nền tảng đã được triển khai để người dân, doanh nghiệp và các cấp, ngành "gặp nhau trên môi trường số".
Khai trương giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính mức độ 4. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhận thức, tư duy về chuyển đổi số từ người đứng đầu các cấp, ngành cho đến người dân và doanh nghiệp đã thay đổi rõ nét. Từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã đều thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp đều ý thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu, tạo nên cách làm mới, cuộc sống mới và là cơ hội để bứt phá vươn lên.
Thái Nguyên từ chỗ đứng thứ ngoài top 40 của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, sau khi Nghị quyết số 01-NQ/TU đi vào cuộc sống đã có tên trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thôn đánh giá chỉ số chuyển đổi số, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành. Đến năm 2022, tỉnh tiếp tục vươn lên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số, phát triển đồng đều trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tính từ ngày 01/01/2022 đến 25/10/2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 755.851 hồ sơ, xử lý 743.011 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,68%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 4 đạt 70,61%. |
Đến nay, 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Từ đây, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính không phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước, mà được giải quyết trên môi trường số, tạo ra môi trường hành chính công khai, minh bạch, khắc phục triệt để phiền hà, sách nhiễu không đáng có đối với nhân dân.
Để khuyến khích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nghị quyết quy định giảm 50% lệ phí cho người dân, doanh nghiệp; UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương phải giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4 từ 55% trở lên.
Hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Thái Nguyên ID. |
Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với C06 (Bộ Công an) thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia (1.113.017/1.113.017 trường hợp đã được số hóa, đạt tỷ lệ 100%). Việc số hóa dữ liệu hộ tịch giúp tiết kiệm khoảng 18 tỷ đồng từ ngân sách, giảm thời gian dự kiến số hóa từ 3 năm xuống còn 50 ngày. Kết quả này là "gốc rễ" để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân.
Ứng dụng C-ThaiNguyen là kênh kết nối hữu hiệu giữa chính quyền với người dân. Đến nay, ứng dụng đã có trên 240.000 người cài đặt, sử dụng. Qua đây, người dân nắm bắt được các hoạt động của chính quyền một cách công khai, minh bạch. Ngược lại, chính quyền cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những phản ánh kiến nghị của người dân để nâng cao trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Tính đến nay, gần 2.000 phản ánh kiến nghị của người dân đã được Trung tâm IOC tiếp nhận, luân chuyển về các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt, trả lời nhân dân kịp thời.
Phát triển nền tảng xã hội số với ứng dụng Thái Nguyên ID đã kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động. Từ môi trường số này, nhu cầu về việc làm, tuyển dụng giữa người lao động và doanh nghiệp đã được giải quyết. Đến nay, ứng dụng Thái Nguyên ID đã có trên 70.000 người cài đặt, sử dụng.
Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên là bước tiến mới trong công tác xây dựng Đảng. Ứng dụng này đã được triển khai trong toàn Đảng bộ tỉnh, với gần 90% đảng viên cài đặt, sử dụng.
Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp số là hướng đi căn cơ, tạo sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Đến nay, Thái Nguyên có 324 doanh nghiệp công nghệ số, đem lại tổng doanh thu kinh tế số 26 tỷ USD. Đồng thời, để hàng hóa đến với người tiêu dùng một cách thuận tiện và giảm chi phí trung gian, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng sàn thương mại điện tử, khuyến khích người dân đưa hàng hóa lên sàn thương mại VOSO, POSTMART. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 140.000 hộ được tạo tài khoản để đưa hàng hóa lên sàn thương mại; xây dựng được 82 chợ không dùng tiền mặt, khuyến khích phát triển thương mại điện tử.
Để tiếp tục khẳng định quan điểm người dân, doanh nghiệp là đối tượng được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số, đặc biệt là hưởng ứng tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm Quý Mão 2023, tỉnh đã chỉ đạo cấp tài khoản an sinh cho hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo đã được cấp tài khoản an sinh. Từ đây, mọi sự ủng hộ, hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của hộ nghèo, cận nghèo một cách công khai, minh bạch và thuận tiện nhất.
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" là cách làm của 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 15.000 thành viên, nòng cốt là đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ và các tổ chức chính trị xã hội trong toàn tỉnh. Tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm đến từng hộ hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng các nền tảng số để phục vụ cuộc sống, sản xuất của chính người dân, doanh nghiệp.
Tất cả đã và đang tạo ra bước tiến vững chắc trên con đường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần đưa Thái Nguyên hiện thực hóa ước mơ trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin