Theo điều tra, đánh giá của tỉnh, năm vừa qua, Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS) đạt 94,44% (năm 2019 đạt 93,7%). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
So sánh với kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, chỉ số SIPAS của Thái Nguyên năm 2020 có sự chênh lệch so với con số tỉnh tự đánh giá. Cụ thể, Chính phủ đánh giá chỉ số SIPAS của Thái Nguyên đạt gần 88% (xếp thứ 24/63 tỉnh, thành). Tuy nhiên, đây cũng là kết quả khá cao so với mục tiêu Chính phủ đề ra tại Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, là đạt mức trên 80% vào năm 2020.
Tại tỉnh, đối với các sở, ngành, qua tổng hợp cho thấy, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước năm qua được tổ chức, cá nhân đánh giá cao nhất là Sở Giao thông - Vận tải (đạt 98,4%); đứng thứ 2 là Sở Nông nghiệp và PTNT (98,3%); thứ 3 là Sở Thông tin và Truyền thông (98%); thứ 4 là Sở Kế hoạch và Đầu tư (96,7%); thứ 5 là Sở Công Thương (96,6%); thứ 6 là Sở Tài nguyên và Môi trường (94%); thứ 7 là Sở Y tế (90%). Hai đơn vị xếp ở vị trí cuối là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Tư pháp cùng đạt 88,3%.
Đối với cấp huyện, địa phương có tỷ lệ người dân hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất là huyện Phú Lương (với 98,2%); tiếp đó là huyện Đại Từ đạt (97%); thứ 3 là T.X Phổ Yên (95,6%); thứ 4 là huyện Đồng Hỷ (đạt 94,1%). Huyện Phú Bình và T.P Sông Công cùng xếp thứ 5 với 93,9%. Huyện Định Hóa xếp thứ 6 (93,1%) và các địa phương xếp sau cùng là Võ Nhai (92,8%) và T.P Thái Nguyên (91,4%).
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” xã Nam Hòa (Đồng Hỷ).
Kết quả trên cho thấy, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong công tác CCHC, hầu hết các chỉ số của năm 2020 đều đạt cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, dù kết quả đánh giá chung đạt khá cao và khả quan nhưng các đơn vị, địa phương vẫn cần có sự điều chỉnh, khắc phục hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ cá nhân, tổ chức trong những năm tiếp theo được tốt hơn. Bởi, vẫn còn 5,56% cá nhân, tổ chức được lấy ý kiến không hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thái Nguyên.
Chẳng hạn như chỉ số thành phần về quy định thủ tục hành chính năm 2020 đạt tỷ lệ hài lòng 93,5%, tuy nhiên cũng có 6,56% tổ chức, cá nhân cho rằng các quy định thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện của TTHC rất phức tạp, khó thực hiện. Chỉ số thành phần về sự phục vụ của công chức, viên chức đạt tỷ lệ hài lòng 95%, nghĩa là còn 5% số người được hỏi chưa hài lòng. Trong đó, nhiều ý kiến cho biết, công chức giải quyết TTHC thiếu nhiệt tình, thậm chí thái độ phục vụ còn hách dịch và có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực… Đây là con số đáng lưu ý cần phải cải thiện, khắc phục.
Điển hình như tại Sở Giao thông - Vận tải, dù là đơn vị đứng đầu khối các sở, ngành về chỉ số SIPAS năm 2020 nhưng trong các chỉ số thành phần, đơn vị này vẫn còn chỉ tiêu đạt thấp. Đó là chỉ số hài lòng về sự phục vụ của công chức, viên chức giải quyết TTHC chỉ đạt 83,6%, thấp hơn so với các đơn vị khác.
Còn tại Sở Y tế, chỉ số thành phần giải quyết phản ánh, kiến nghị chỉ đạt 74%, thấp nhất trong số các đơn vị được điều tra. Đối với chỉ số thành phần về tiếp cận dịch vụ, Sở Y tế cũng chỉ có 75%. Sở Tư pháp có 71,67% tổ chức, cá nhân hài lòng về tiếp cận TTHC do các sở, ngành cung cấp…
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu.
Đối với cấp huyện, qua tổng hợp, phân tích cho thấy, có 9,8% ý kiến cho biết thái độ phục vụ của công chức tại UBND cấp huyện thiếu nhiệt tình, chu đáo; 8,6% số ý kiến đánh giá số lượng công chức, viên chức bố trí chưa đủ để đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC và 7,2% đánh giá công chức giải quyết TTHC chưa thực sự thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình giải quyết công việc.
Ngoài ra, còn 3% số ý kiến cho biết nhận kết quả giải quyết hồ sơ ở cấp huyện bị quá hạn, thậm chí có trường hợp quá 15 ngày làm việc và 8,9% ý kiến cho biết phải đi lại trên 3 lần để nhận được kết quả giải quyết TTHC, cá biệt có 2,2% cho biết phải đi lại trên 6 lần mới nhận được kết quả giải quyết TTHC. Có 8,4% số người được hỏi cho rằng UBND cấp huyện chưa công khai đầy đủ, đúng quy định địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ, cơ quan Thường trực của tỉnh về CCHC, cho biết: Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số SIPAS.
Tuy nhiên, để chỉ số này đạt kết quả cao hơn trong năm 2021, theo chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau: Đẩy mạnh tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận một cửa; niêm yết công khai TTHC trên trang thông tin điện tử, rà soát cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết; giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát để từng bước thực hiện giải quyết TTHC “4 tại chỗ" (gồm: Tiếp nhận, thẩm định, ký kết quả giải quyết và trả kết quả TTHC) tại bộ phận một cửa cấp huyện, Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân…