Chủ động hơn nữa trong phòng, chống thiên tai

11:14, 11/07/2017

Hiện nay, đang trong thời điểm chính của mưa lũ và thiên tai. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân; ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, đơn vị và các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT - TKCN), Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi về những biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

P.V: Ông có nhận định gì về tình hình thiên tai năm nay?

 

Ông Nguyễn Thành Nam: Ngay trong tuần vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh vừa họp sơ kết công tác này. Tất cả đều có nhận định, tình hình thiên tai luôn có những diễn biến bất thường, trái quy luật tự nhiên. Trong những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, hạn hán, mưa dông, sét, lốc xoáy, sạt lở đất, nắng nóng…

 

P.V: Tình hình thời tiết, thiên tai những ngày qua đã gây ra những thiệt hại gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Thành Nam: Khi xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy đều làm ảnh hưởng và gây ra thiệt hại đối với sản xuất, đời sống của nhân dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong những tháng đầu năm, thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm 1 người chết, 1 người bị thương do sét đánh; gần 900 ngôi nhà bị tốc mái; 21 ngôi nhà bị sập; ngập úng hàng trăm héc - ta rau màu; 2.700 con gà bị chết; cháy hơn 10ha rừng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở… ước tính tổng thiệt hại trên 12 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào ngày 8-7, mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Định Hóa đã khiến 4 người trong một gia đình bị lũ cuốn trôi khi qua đập tràn ở xã Lam Vỹ.

 

P.V: Tỉnh luôn coi trọng công tác phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp đều xây dựng phương án và tổ chức diễn tập các tình huống cứu hộ cứu nạn, tuy nhiên thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra, theo ông thì có những hạn chế gì trong công tác này?

 

Ông Nguyễn Thành Nam: Mặc dù công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra đã đạt được nhiều kết quả, nhưng qua đánh giá vẫn còn một số hạn chế: cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trang bị cho các lực lượng còn thiếu về số lượng; do hệ thống tiêu thoát nước ở khu vực đô thị, nhất là ở T.P Thái Nguyên hoạt động chưa hiệu quả, một số công trình bị tắc do đang thi công, do rác thải và người dân lấn chiếm; mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn còn thưa, phương tiện đo mưa lạc hậu, hư hỏng; ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, lúng túng, bị động và chủ quan khi có thiên tai xảy ra…

 

P.V: Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai sẽ có những diễn biến thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Thành Nam: Theo đánh giá và nhận định của các cơ quan chức năng thì từ tháng 7 đến tháng 8 sẽ có khoảng 2 đến 3 cơn bão, ấp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực của tỉnh Thái Nguyên; trên sông Cầu khả năng có từ 3 đến 5 trận lũ, đỉnh lũ cao nhất khả năng xấp xỉ báo động II; nắng nóng, mưa lớn và lốc xoáy khả năng tiếp tục xảy ra, đặc biệt trong mưa lớn sẽ gây ngập úng, sạt lở đất, nước lũ chảy xiết trên các sông suối nhỏ…

 

P.V: Như vậy thì tình hình thời tiết, thiên tai trong thời gian tới vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, đời sống, sản xuất của nhân dân; ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức đơn vị và các công trình trên địa bàn tỉnh. Ông có đề nghị và khuyến cáo gì để giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy?

 

Ông Nguyễn Thành Nam: Các địa phương cần nâng cao tính chủ động trong công tác phòng tránh thiên tai; các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các loại hình thiên tai và phương pháp phòng tránh, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về thiên tai, đặc biệt là đối với mưa lớn, giông, sét, lũ quét và sạt lở đất; tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các hồ chứa nước, hệ thống đê điều kịp thời phát hiện hư hỏng; xây dựng phương án sửa chữa đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt tập trung xử lý sự cố thấm thân đập chính hồ Núi Cốc trong thời gian sớm nhất; rà soát, điều chỉnh phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nâng cao chất lượng, sát với thực tế ở mỗi địa phương; vận động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ…

 

P.V: Xin cảm ơn ông!