"Cuộc chiến" bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn

15:39, 29/08/2017

Hiện nay, tình trạng chặt phá rừng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này và các giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

P.V: Xin ông cho biết cụ thể về thực trạng chặt phá rừng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Vũ Văn Phán: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã lập biên bản xử lý 252 trường hợp vi phạm, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2016. Lực lượng đã tịch thu 410m3 gỗ quy tròn, 39 chiếc ô tô, xe máy, nộp ngân sách gần 1,6 tỷ đồng. Tuy số vụ giảm so với năm ngoái, nhưng tính chất của một số vụ vi phạm lại phức tạp hơn, các đối tượng đã xâm hại vào phòng hộ, rừng đặc dụng. Thực trạng này chủ yếu diễn ra ở huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ.

P.V: Trong công tác đấu tranh với “lâm tặc”, lực lượng Kiểm lâm thường gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Vũ Văn Phán: Có thể nói, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn vì địa bàn thường ở vùng sâu, xa khu dân cư, địa hình phức tạp và giáp ranh giao thông đi lại khó khăn; các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng đời sống đồng bào khó khăn để lôi kéo người dân tham gia vào việc phá rừng, khai thác, vận chuyển; tình trạng cản trở, chống đối người thi hành công vụ vẫn xảy ra với tính chất manh động và liều lĩnh; lực lượng Kiểm lâm mỏng, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ…

P.V: Như ông vừa cho biết thì “lâm tặc” đã xâm hại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và tình trạng cản trở, chống đối người thi hành công vụ manh động và liều lĩnh. Vậy, có vụ việc nào nổi cộm, thưa ông?

Ông Vũ Văn Phán: Nổi cộm thì chưa, nhưng có những vụ mang tính chất phức tạp đã phải chuyển cơ quan điều tra hình sự để xử lý nghiêm minh. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khởi tố, điều tra hình sự nhiều vụ, như ở huyện Võ Nhai là các vụ: Phá rừng Khuôn Mánh, khai thác rừng tự nhiên ở Tân Sơn, rừng đặc dụng ở Thượng Nung, vụ chống người thi hành công vụ ở Thần Sa-Phượng Hoàng. Ở huyện Đồng Hỷ là các vụ: Phá rừng phòng hộ Ngàn Me và rừng Khe Cạn…
 

P.V: Để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn, ông có thấy trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm ở đó không?

Ông Vũ Văn Phán: Nếu để xảy ra tình trạng như vậy thì cần phải xem xét cụ thể cán bộ Kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo hạt Kiểm lâm đã thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao hay chưa. Những cán bộ đó có thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, những quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và quy định của địa phương hay chưa… Căn cứ vào các điều kiện đó mới có thể quy trách nhiệm cụ thể.

P.V: Với những diễn biến như chúng ta vừa trao đổi, theo ông “cuộc chiến” bảo vệ rừng còn gian nan không, thưa ông?

Ông Vũ Văn Phán: Tôi cho rằng, “cuộc chiến” bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, phức tạp bởi các đối tượng vi phạm rất tinh vi và manh động. Chúng biết lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách để khai thác, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; cuộc sống của đồng bào miền núi còn nghèo khó, dễ bị kẻ xấu lợi dụng…

P.V: Ông đánh giá thế nào về vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng?

Ông Vũ Văn Phán: Cấp ủy, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong đó có chính quyền cấp xã để xảy ra phá rừng, cháy rừng… nghiêm trọng kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời triệt để thì lãnh đạo UBND xã đó bị xem xét trách nhiệm.

P.V: Trong nhiều năm qua, tỉnh, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã dành nhiều nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhưng tình trạng xâm hại rừng vẫn diễn ra. Vậy theo ông, để làm tốt công tác này thì còn cần thêm những điều gì?

Ông Vũ Văn Phán: Theo tôi, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân và quán triệt trách nhiệm của các cấp chính quyền, chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; quan tâm đầu tư các dự án lâm sinh giúp người dân phát triển và sống bằng nghề rừng; tăng cường quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các cơ quan có liên quan và chính quyền các địa phương trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…

P.V: Xin cảm ơn ông!