Giảm thiểu tai nạn giao thông: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

09:40, 18/09/2017

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Vậy, nguyên nhân nào đem lại kết quả đó? Chúng tôi có cuộc phỏng vấn Đại tá Hoàng Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh.

P.V: Trước tiên, xin Đại tá cho biết sơ bộ tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Từ ngày 16-11-2016 đến ngày 15-8-2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, làm chết 53 người, bị thương 91 người. Hư hỏng 76 xe ô tô, 103 xe mô tô, xe máy. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 1,4 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2016, giảm 12 vụ, số người chết giảm 13 người, số người bị thương giảm 7 người…

P.V: Các lỗi chủ yếu khi người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông thường mắc phải là gì, thưa Đại tá?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Theo đánh giá của chúng tôi, các lỗi chủ yếu là người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ, tránh vượt sai quy định; sử dụng nồng độ cồn; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

P.V: So với cùng kỳ năm ngoái, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí. Theo Đại tá, nguyên nhân nào đem lại kết quả đó?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Nguyên nhân chính là do có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình tham gia giao thông.

P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, do lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường các chốt đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông là nguyên nhân đáng lưu ý góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Đại tá đánh giá thế nào về ý kiến này?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Có nhiều biện pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông, trong đó tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông là biện pháp thiết thực, có tác dụng rất lớn.

P.V: Các vụ vi phạm giao thông, phần lớn là người trong độ tuổi lao động và thanh niên (có cả học sinh, sinh viên). Đại tá đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đối với các đối tượng này?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Đây là lực lượng thường xuyên tham gia giao thông, tuy nhiên nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình tham gia giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông trong độ tuổi này còn hạn chế. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung vào các đối tượng đang trong độ tuổi lao động, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa…

P.V: Để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, theo Đại tá nếu tiếp tục đề xuất tăng mức phạt đối với người vi phạm giao thông như hiện nay liệu đó có phải là giải pháp tốt?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Các mức phạt được quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-8-2016 hiện nay về cơ bản vẫn đang đáp ứng được tính răn đe đối với người vi phạm. Tuy nhiên, đối với một số hành vi vi phạm cần phải tăng mức phạt như: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; đi vào đường cấm, khu vực cấm…

P.V: Vậy, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, theo Đại tá thì cần thực hiện các giải pháp nào?

Đại tá Hoàng Văn Ninh: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt vi phạm về tải trọng, làn đường, phần đường, nồng độ cồn, tốc độ, về chấp hành tín hiệu đèn giao thông; duy trì hoạt động mạng lưới cộng tác viên bí mật; kịp thời nắm bắt thông tin, đề ra các giải pháp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông; khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý về tổ chức giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, loại bỏ những điểm đen về tai nạn giao thông; nâng cao công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đưa ra xét xử trước pháp luật…

P.V: Xin cảm ơn Đại tá!