Xử lý nghiêm các cơ sở và người đứng đầu khi để xảy ra lạm thu

09:54, 06/10/2017

Lạm thu trong giáo dục là chuyện không mới nhưng luôn “nóng” trước mỗi năm học. Các bậc phụ huynh có lẽ khó từ chối các khoản đóng góp mà cơ sở giáo dục đề ra. Năm học mới 2017-2018, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này.

P.V: Hiểu thế nào là lạm thu trong giáo dục, thưa ông?

Ông Phạm Việt Đức: Theo tôi, có thể hiểu lạm thu là cơ sở giáo dục thực hiện thu, huy động các khoản trái quy định của Nhà nước; trái với thỏa thuận, không theo nguyên tắc tự nguyện đối với các khoản thu huy động tự nguyện hoặc thu, huy động cao hơn mức quy định hay thỏa thuận; trái với hướng dẫn của ngành Giáo dục mà do các trường tự ý đề ra các khoản đóng góp...

P.V: Như vậy, những khoản đóng góp do các trường tự ý đề ra là vi phạm quy định trong giáo dục, thưa ông?

Ông Phạm Việt Đức: Những khoản đóng góp do các trường tự ý đề ra là vi phạm theo hướng dẫn của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học, nếu phát sinh các hoạt động cần huy động tiền, hiện vật từ học sinh, cha mẹ học sinh để phục vụ trực tiếp cho học sinh mà không nằm trong hướng dẫn của ngành, các cơ sở giáo dục phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý trực tiếp để xin ý kiến và chỉ được thực hiện khi có phê duyệt.

P.V: Nếu các cơ sở giáo dục vi phạm thì sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Việt Đức: Trước hết, cơ sở đó sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi để xảy ra sai phạm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm để xử lý theo quy định.

P.V: Với trách nhiệm quản lý của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo có phát hiện trường hợp lạm thu nào không?

Ông Phạm Việt Đức: Bước vào đầu năm học, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo kiểm tra các khoản thu đầu năm học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thành lập đoàn kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục trong tỉnh. Thời gian kiểm tra kết thúc vào ngày 30-10 và sẽ có kết luận cụ thể đối với từng cơ sở giáo dục. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được phản ánh về tình hình lạm thu ở một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (Trường Tiểu học Đội Cấn, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ và Tiểu học Nha Trang, Trường THCS Nha Trang). Trước những thông tin đó, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên xác minh và báo cáo cụ thể vụ việc.

P.V: Gần đây, trên mạng xã hội facebook và một số báo điện tử có phản ánh những bức xúc của phụ huynh học sinh về Trường Tiểu học Phú Xá, T.P Thái Nguyên lạm thu, ông có ý kiến gì về việc này?

Ông Phạm Việt Đức: Chúng tôi đã nắm được thông tin như phản ánh của báo chí và mạng xã hội facebook về lạm thu ở Trường Tiểu học Phú Xá. Khi nhận được thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên kiểm tra, làm rõ và nghiêm khắc xử lý nếu có sai phạm, báo cáo kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra trực tiếp, xem xét cụ thể từng vấn đề trên cơ sở khách quan để tiếp tục chỉ đạo sau kiểm tra.

P.V: Trước tình trạng lạm thu như hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo gì để chấn chỉnh vấn đề này?

Ông Phạm Việt Đức: Chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản quản lý các khoản thu, chấn chỉnh việc dạy thêm trái quy định và lạm thu đầu năm học gửi chính quyền các địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn để phối hợp thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phổ biến các văn bản liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản thu; tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng lạm thu qua các kênh thông tin, nhất là qua đường dây nóng để chỉ đạo và giải quyết kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục, xử lý nghiêm những cơ sở và người đứng đầu cơ sở giáo dục khi để xảy ra tình trạng lạm thu…

P.V: Tuy nhiên, các bậc phụ huynh khó từ chối các khoản đóng góp vì lẽ rất tế nhị “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Ông có lời khuyên nào với các bậc phụ huynh, thưa ông?

Ông Phạm Việt Đức: Cổ nhân dạy “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” xuất phát từ truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Việc phụ huynh tham gia các khoản đóng góp trái quy định không đồng nghĩa với “tôn sư trọng đạo”. Các phụ huynh học sinh vì nể nang, vì sợ ảnh hưởng tới con đã vô hình chung tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục lạm thu. Chúng tôi mong muốn các phụ huynh cần nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn các khoản thu trong cơ sở giáo dục, đồng thời chung tay với ngành giáo dục chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Khi thấy có hiện tượng lạm thu, các bậc phụ huynh cần có ý kiến, kiến nghị với cơ sở giáo dục đó, nếu không được giải quyết thì gửi đến cơ quan quản lý trực tiếp để giải quyết.

P.V: Xin cảm ơn ông!