Chúng tôi thường bị lăng mạ, hành hung, chống đối

15:12, 08/11/2017

Thi hành án dân sự (THADS) là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Vì vậy, ngành THADS luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thi hành nhiệm vụ. Để hiểu hơn về công tác này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết nhiệm vụ chính của ngành THADS hiện nay là gì?

Ông Dương Văn Quyết: Theo quy định của Luật THADS thì cơ quan THADS trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của tòa án; quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lời bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của tòa án, quyết định của tòa án tuyên bố phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định của trọng tài thương mại…

P.V: Được biết, việc THADS luôn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Xin ông cho biết cụ thể những khó khăn mà ngành đang gặp phải là gì?

Ông Dương Văn Quyết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, bên cạnh những mặt thuận lợi, thì chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là việc giải quyết các vụ, việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, án tham nhũng thi hành phần trách nhiệm dân sự đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam được xem là khó khăn nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi phải thường xuyên đối mặt với sự chây ỳ, trốn tránh hoặc chống đối quyết liệt, không hợp tác của người phải thi hành án… Hiện nay, ngành THADS phải “gánh” rất nhiều vụ việc kê biên, thông báo bán đấu giá nhiều lần (có vụ việc phải hạ giá tới 10 lần) nhưng không có người mua…

P.V: Khi thi hành án, các chấp hành viên thường phải hứng chịu sự lăng mạ; có trường hợp còn bị vu khống, cản trở, bao vây người thi hành công vụ để tạo áp lực, thậm chí bị dùng hung khí đe dọa, hành hung... điều đó có ảnh hưởng nhiều đến việc thực thi nhiệm vụ không, thưa ông?

Ông Dương Văn Quyết: Trước hết, việc dân sự phải do dân tự giải quyết. Khi việc giải quyết không thành, cơ quan nhà nước phải can thiệp dẫn đến mâu thuẫn giữa bên nguyên và bên bị. Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS đặt ra mục tiêu vận động, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành nhưng việc tự nguyện chiếm tỷ lệ rất thấp nên phải cưỡng chế thi hành. Vì thế, nhiều trường hợp không hợp tác với cơ quan THADS, khóa nhà bỏ đi, chửi bới, lăng mạ, đe dọa cán bộ thậm trí chống trả quyết liệt bằng hung khí, viết đơn, thư khiếu nại, tố cáo cán bộ thi hành án làm trái pháp luật gửi các cơ quan… Những hành vi đó đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả, kết quả công tác; gây tâm lý căng thẳng cho chấp hành viên.

P.V: Đối với những án tồn, với trách nhiệm của mình, ông có những giải pháp gì để tháo gỡ?

Ông Dương Văn Quyết: Vấn đề này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó cơ quan THADS làm tham mưu, đề xuất để đưa pháp luật vào cuộc sống. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của cá nhân, tổ chức với việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Cán bộ, công chức THADS phải nâng cao trách nhiệm trong công tác, tận tụy với công việc và phục vụ người dân, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và công dân. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chây ỳ, trốn tránh, chống đối, cản trở công tác THADS…

P.V: Có ý kiến cho rằng, với những vụ án khó, ngành THADS chưa có phương pháp thuyết phục tốt; chấp hành viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ..., ông đánh giá thế nào về những nhận xét đó?

Ông Dương Văn Quyết: Không có việc án khó, “khó hay dễ” đều do con người. Với tính chất đặc thù của ngành THADS, nên chúng tôi luôn quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tác phong nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ quan THADS các cấp. Đồng thời nghiêm khắc xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm, ngại va chạm, vi phạm về quy trình công tác, quy định của pháp luật về THADS.

P.V: Sự phối hợp của các ngành chức năng trong thi hành án, nhất là đối với vụ việc phức tạp, kéo dài có gì vướng mắc, thưa ông?

Ông Dương Văn Quyết: Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan liên quan tại địa phương được thực hiện rất tốt về chủ trương và pháp luật. Do đó, kết quả công tác THADS ngày càng cao, đặc biệt việc phân loại ngày càng chính xác, tỷ lệ án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước.

P.V: Với nhiều khó khăn như vậy, kết quả công tác THADS từ đầu năm đến nay có khả quan không, thưa ông?

Ông Dương Văn Quyết: So với mặt bằng chung khu vực và toàn quốc, kết quả công tác THADS sự trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Năm 2017, án tăng 10,4% so với năm 2016, kết quả toàn ngành THADS tỉnh đạt 88,95% về việc và 33,93% về tiền trong số việc và tiền có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành.

P.V: Xin cảm ơn ông!