Phú Lương: Giải quyết dứt điểm số lao động vượt định mức

09:56, 28/11/2017

Gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc một số trường học trên địa bàn huyện Phú Lương tuyển dụng vượt định mức hợp đồng lao động sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm học 2015-2016 với số lượng lớn. Vậy, nguyên nhân do đâu và huyện đã xử lý việc này như thế nào, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết cụ thể về thông tin tuyển dụng hợp đồng lao động vượt định mức sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm học 2015-2016?

Ông Phạm Bình Công: Từ thông báo kiến nghị của Kiểm toán khu vực X về quản lý ngân sách huyện Phú Lương năm 2015-2016, trong đó Kiểm toán kiến nghị UBND huyện Phú Lương phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra việc hợp đồng lao động là viên chức sự nghiệp giáo dục vượt biên chế (vượt 269 biên chế) được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế số hợp đồng lao động vượt định mức là 199 lao động, số này đã được trừ số biên chế huyện chưa được giao theo định mức và sở Nội vụ đã xác nhận sau thanh tra rà soát.

P.V: Nguyên nhân của việc hợp đồng vượt định mức 199 lao động sự nghiệp giáo dục và đào tạo này là gì, thưa ông?

Ông Phạm Bình Công: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phải hợp đồng để có đủ giáo viên đảm bảo công tác giảng dạy, trong đó chủ yếu là do từ năm 2012 đến nay huyện chưa được giao đủ biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo định mức quy định; năm học 2015 - 2016 ngành giáo dục huyện có 183 người nghỉ thai sản; số lớp bậc THCS liên tục giảm (năm học 2015 - 2016 giảm 95 lớp), do đó cơ cấu giáo viên giữa các môn học bất hợp lý, môn thừa giáo viên, môn thiếu giáo viên; huyện có nhiều điểm trường lẻ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; ngoài công tác giảng dạy, giáo viên kiêm nhiệm phải trừ giờ dạy như: Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn, Chủ nhiệm lớp, Chủ tịch Hội đồng trường, Tổ trưởng chuyên môn, Thư ký Hội đồng, Thanh tra nhân dân, Giáo viên "phụ trách phòng bộ môn", "phụ trách vườn trường", Giáo viên "trợ giảng" theo quy định của chương trình mới VNEN, Công tác bồi dưỡng và phụ đạo cho học sinh…vì vậy phải bổ sung hợp đồng lao động.

P.V: Có ý kiến cho rằng, việc hợp đồng lao động vượt định mức sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã ảnh hưởng đến ngân sách và việc đầu tư cho giáo dục. Ông nhận xét gì về ý kiến này?

Ông Phạm Bình Công: Kinh phí chi trả lương cho lao động hợp đồng nằm trong tổng kinh phí được giao hàng năm của ngành giáo dục và đào tạo, không vượt định mức cấp, không làm phát sinh ngân sách địa phương.

P.V: Vậy, khi kiến nghị của Kiểm toán khu vực X, kết luận của Sở Nội vụ Thái Nguyên trong việc hợp đồng lao động vượt định mức sự nghiệp giáo dục và đào tạo, huyện đã xử lý việc này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Bình Công: Ngay sau khi có Kết luận thanh tra của Sở Nội vụ; thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã tích cực triển khai các biện pháp giải quyết số hợp đồng lao động vượt định mức, cụ thể: Năm 2016, căn cứ số biên chế được giao, huyện đã tuyển dụng số hợp đồng lao động vào biên chế 56 người, chuyển công tác 5 người; chỉ đạo các trường học tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Thực hiện rà soát lại toàn bộ cơ cấu, đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các trường học, bố trí sắp xếp theo đề án vị trí việc làm. Đồng thời, thực hiện hợp đồng giáo viên theo Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 12/1/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc giao số lượng và hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng làm giáo viên trong các trường mầm non, tiểu học và nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non công lập. Theo kế hoạch huyện sẽ thực hiện tuyển dụng số hợp đồng lao động có năng lực và đủ tiêu chuẩn vào biên chế thay thế cho viên chức nghỉ hưu trí và số biên chế được giao theo định mức quy mô phát triển giáo dục. Chấm dứt số hợp đồng hạn chế yếu kém về chuyên môn, giải quyết dứt điểm số hợp đồng lao động vượt định mức, hợp đồng lao động không đúng quy định trong năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, huyện còn 76 hợp đồng vụ việc vượt định mức do các nhà trường ký hợp đồng để dạy thay cho số lượng giáo viên nghỉ thai sản và đảm bảo cơ cấu môn học theo quy định. Đến Quý II-2018, chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm số lượng hợp đồng vượt định mức này.

P.V: Qua vụ việc này, bài học kinh nghiệm lớn nhất được rút ra là gì, thưa ông?

Ông Phạm Bình Công: Mặc dù việc hợp đồng lao động vượt định mức xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như những khó khăn của địa phương, song tập thể và các cá nhân lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng chuyên môn rút ra bài học sâu sắc trong quản lý nguồn lực còn hạn chế và chưa hiệu quả. UBND huyện đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu, thực hiện ký hợp đồng lao động vượt định mức sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

P.V: Xin cảm ơn ông!