L.T.S: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, đến nay, huyện Phú Lương đã đạt nhiều thành quả trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, số nợ đọng trong xây dựng cơ bản theo Chương trình XDNTM trên địa bàn huyện thuộc diện cao nhất tỉnh. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này và giải pháp khắc phục, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương.
P.V: Thời gian qua, Chương trình XDNTM đã được huyện triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Bình Công: Đây là một chủ trương lớn, vì vậy ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện đã vào cuộc quyết liệt. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình tại các xã, đề ra giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với thực tế ở địa phương... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tập huấn được quan tâm thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Với sự vào cuộc đó, đến nay Phú Lương đã có 6/13 xã đạt chuẩn NTM.
P.V: Đối với Phú Lương, trong các tiêu chí XDNTM, tiêu chí nào được xem là khó khăn nhất, thưa ông?
Ông Phạm Bình Công: Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM thì tiêu chí số 13 - tổ chức sản xuất - được đánh giá là khó khăn nhất. Tiêu chí này có liên quan và tác động trực tiếp đến các tiêu chí như: Hộ nghèo, thu nhập, nhà ở... Tiêu chí 13 hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm nghèo cho người dân.
P.V: Vậy, huyện tháo gỡ tiêu chí khó này bằng cách nào, thưa ông?
Ông Phạm Bình Công: Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả cao tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX. Giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động, HTX không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012. Vận động thành lập mới HTX nông nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất. Mở thêm các loại hình dịch vụ nhằm ổn định đầu ra cho những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn về làm việc tại HTX...
P.V: Số nợ đọng vốn xây dựng cơ bản NTM của huyện hiện nay là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Phạm Bình Công: Cho đến nay, nợ đọng về xây dựng cơ bản đối với Phú Lương trong XDNTM không lớn, chỉ còn trên 24 tỷ đồng, giảm khoảng 60% so với tổng nợ năm 2015.
P.V: Đó vẫn là số nợ lớn nhất tỉnh, theo ông thì nguyên nhân nào đã dẫn đến nợ đọng lớn như vậy?
Ông Phạm Bình Công: Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng của các xã có xuất phát điểm thấp. Đường giao thông, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình thủy lợi... đều xuống cấp và thiếu nên khi triển khai Chương trình XDNTM các địa phương đã tích cực đăng ký để về đích nông thôn mới. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư của TW, tỉnh hỗ trợ cho các xã còn ít, nguồn vốn ngân sách huyện, xã hạn hẹp, chủ yếu vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, đời sống nhân dân còn khó khăn, mật độ dân số thưa nên việc huy động đối ứng gặp khó khăn...
P.V: Người ta nói, nợ thì phải trả, đối với Phú Lương sẽ trả bằng cách nào, thưa ông?
Ông Phạm Bình Công: Chúng tôi sẽ huy động các nguồn vốn để xử lý nợ, trong đó tập trung chính từ nguồn tiền cấp quyền sử dụng đất, nguồn vượt thu ngân sách hàng năm, nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM của TW, tỉnh và nguồn vốn 40% ngân sách tỉnh cân đối cho huyện. Chỉ khởi công mới các công trình khi đã cân đối đủ nguồn vốn. Chấp hành đầy đủ các quy trình, quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác quản lý, rà soát, cân đối nguồn vốn nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải. Huy động nguồn vốn hỗ trợ của các đơn vị, nguồn đóng góp của nhân dân... Với cách làm đó, chúng tôi phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ xử lý hết nợ đọng trong xây dựng cơ bản NTM.
P.V: Thời gian tới đây, việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Bình Công: Sẽ tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo ở cấp huyện, xã. Ban chỉ đạo là đầu mối chịu trách nhiệm trước cấp uỷ, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện, đôn đốc các ngành và các cấp, rà soát kết quả thực hiện từng nội dung tiêu chí xây dựng xã NTM. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua XDNTM. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình. Thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện lưới cho vùng sản xuất hàng hoá tập trung, hạ tầng kỹ thuật sản xuất cây con giống, cơ sở chế biến, bảo quản và giết mổ gia súc, gia cầm...
P.V: Xin cảm ơn ông!