Giao lưu trực tuyến về "Phòng, chống tác hại của thuốc lá"

09:47, 15/12/2017

Chương trình giao lưu trực tuyến về "Phòng, chống tác hại của thuốc lá" được tổ chức tại trường quay Báo Thái Nguyên điện tử. Tại địa chỉ http://giaoluu.baothainguyen.vn/

Khách mời tham gia chương trình gồm:

Tiến sĩ, bác sỹ Ngô Thị Tính - Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

+ Ông Đinh Quang Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Thái Nguyên

+ Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Thái Nguyên.

Thời gian diễn ra cuộc giao lưu từ 9 giờ đến 11 giờ 15 phút ngày 15/12/2017. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 150 câu hỏi của các độc giả gửi về cho chương trình. Tuy thời gian có hạn, nhiều câu hỏi trùng lặp nhau, nhưng các vị khách mời đều trả lời đầy đủ và chi tiết những câu hỏi gửi về. Dưới đây là nội dung 1 số câu hỏi đã được các vị khách mời trả lời trực tiếp trong buổi giao lưu:

Thiên Bình: Ở Thái Nguyên hiện có những loại thuốc nào dùng trong việc cai nghiện thuốc lá? Tôi có thể mua loại thuốc đó ở đâu?

Tiến sĩ, bác sỹ Ngô Thị Tính - Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Có nhiều loại thuốc hỗ trợ cho việc cai nghiện thuốc lá như: miếng dán cai thuốc lá Habitrol, thuốc Boni -Smok... Bạn có thể mua tại các quầy bán thuốc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thiên Bình: Hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động thì cái nào độc hại hơn? Với người hút thuốc lá lâu năm sau khi cai thì sức khoẻ có thể trở lại như người bình thường hay không?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động đều độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe. Với người hút thuốc lá lâu năm sau khi cai thuốc thì sức khỏe trở lại sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của thuốc lá đến tình trạng hiện tại lúc cai thuốc.

Hoàng Hà: Thành phần Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại Thuốc lá của tỉnh Thái Nguyên và các giải pháp cơ bản chương trình này của tỉnh?

Ông Đinh Quang Hùng: Ban chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Thái Nguyên được kiện toàn theo Quyết định số: 641/QĐ-UBND, ngày 30/3/2016; Ban chỉ đạo gồm 25 thành viên, do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Phó ban Thường trực là Giám đốc Sở Y tế; các thành viên khác thuộc các ban, ngành, UBND huyện và các tổ chức đoàn thể.

* Những giải pháp:

- Tuyên truyền thông qua kênh phát sóng của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, huyện, hệ thống loa phát thanh tuyến xã, phường.

- Tuyên truyền trên Báo Thái Nguyên.

- Thực hiện chuyên trang trên cuốn bản tin “Sức khỏe Thái Nguyên” số ra thường kỳ.

- Xây dựng môi trường không khói thuốc và thực hiện giám sát, đánh giá các hoạt động PCTH thuốc lá.

- Xây dựng kế hoạch hành động năm 2018-2019 - Hội thảo triển khai Kế hoạch Phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Tuyên truyền trực tiếp thông qua Mít tinh, diễu hành cổ động tại tuyến tỉnh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không khói thuốc 25-31/5 và Ngày Thế giới không khói thuốc 31/5.

- Xây dựng mô hình điểm "Khu du lịch không khói thuốc" tại khu du lịch vùng hồ Núi Cốc;

- Xây dựng mô hình điểm “Chi hội nông dân nói không với thuốc lá”; Tổ chức truyền thông trực tiếp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá tại một số bệnh viện tuyến tỉnh.

- Tăng cường việc thực thi Luật PCTHTL và Môi trường không khói thuốc tại các cơ quan hành chính, trường học, cơ sở y tế và nơi công cộng tại địa bàn huyện Đại Từ.

- Nhân rộng mô hình truyền thông về tác hại của thuốc lá và Tuyên truyền Luật PCTH của thuốc lá tại 24 xã, phường trên địa bàn huyện Định Hóa.

- Nhân rộng mô hình truyền thông về tác hại của thuốc lá và Tuyên truyền Luật PCTH của thuốc lá tại 18 xã, phường trên địa bàn thị xã Phổ Yên;

- Duy trì và nhân rộng mô hình "Môi trường không khói thuốc lá" và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại 30 nhà máy xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Duy trì và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Phòng chống tác hại thuốc lá” thuộc chi hội phụ nữ các xã của huyện Phú Bình; - Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình môi trường không khói thuốc lá và thực thi nghiêm Luật PCTH của thuốc lá tại 30 trường THCS và 30 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các đoàn thanh kiêm tra liên ngành tại các địa điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng và các cơ quan, trường học....

Nguyễn Lâm Tuyền: Hút thuốc lá ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Tác hại của thuốc lá đối với nữ giới: Hút thuốc lá khiến cho việc thụ thai diễn ra lâu hơn và việc mang thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn. Khi hút thuốc, nồng độ của nhiều nội tiết tố trong đó có estrogen bị thay đổi làm cản trở sự rụng trứng và làm xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm khả năng thụ thai Tác hại của thuốc lá đối với nam giới: Hút thuốc lá gây giảm số lượng và chất lượng tinh trùng có thể gây liệt dương.

Nguyễn Lâm Tuyền: Vì sao không nên hút thuốc lá trong gia đình có trẻ nhỏ? Hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá thụ động khác nhau như thế nào?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Không nên hút thuốc lá trong gia đình có trẻ nhỏ vì khi hút thuốc lá trẻ nhỏ sẽ hít phải khói thuốc lá thụ động. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa được phát triển đầy đủ nên sẽ mắc nhiều bệnh đặc biệt là bệnh đường hô hấp. Hút thuốc lá chủ động khác với hút thuôc lá thụ động ở chỗ:người hút thuốc lá thụ động là người không hút thuốc mà vô tình hít phải khói thuốc.

Nguyễn Lâm Tuyền: Thuốc lá tẩu, thuốc lào, thuốc lá vấn có ít gây hại cho sức khỏe hơn so với hút thuốc lá điếu không?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Tất cả các loại thuốc: thuốc lá tẩu, thuốc lào, thuốc quấn đều gây hại cho sức khỏe.

Ánh Dương: Bây giờ có quy định nào cấm học sinh, sinh viên hút thuốc trong nhà trường hay không?

Ông Đinh Quang Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Thái Nguyên.

Ông Đinh Quang Hùng: Theo Điều 11, ý 2 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc, trường cao đặng, đại học, học viện và khuôn viên nhà trường. Theo quy định trên, học sinh, sinh viên không được hút thuốc lá trong nhà trường.

Tú Tâm: Có phải người nào hút thuốc lá cũng trở nên nghiện?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Đúng người nào hút thuốc lá cũng sẽ gây nghiện.

Tú Tâm: Nhiều ý kiến cho rằng việc hút thuốc lá giúp họ tỉnh táo, minh mẫn hơn, nhất là những lúc phải làm việc căng thẳng. Thế nhưng có lần tôi lại được khuyến cáo là hút thuốc lá sẽ làm tăng stress, căng thẳng thần kinh. Vậy ý kiến nào là đúng?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Hút thuốc lá sẽ làm tăng stress, căng thẳng thần kinh hơn.

Bạch Liên HNB: Thuốc lá điện tử có gây hại cho sức khỏe hay không?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Thuốc lá điện tử cũng gây hại cho sức khỏe như thuốc lá thông thường vì trong thuốc lá điện tử vẫn có hàm lượng nicotin.

Bạch Liên HNB: Khói shisha điện tử có ảnh hưởng đến người xung quanh không?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Khói Shisha điện tử cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người không hút.

Bạch Liên HNB: Trung bình mỗi năm có bao nhiêu người tử vong do thuốc là ở Việt Nam và trên thế giới?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong.

Nguyễn Chi Lan: Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, pháp luật nghiêm cấm các hành vi nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Điều 9 quy định Các hành vi bị nghiêm cấm: 1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu. 2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. 3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này. 4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá. 5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. 6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. 7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. 8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em. 9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Nguyễn Chi Lan: Việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam có phải là quy định bắt buộc không? Nếu có thì phải đảm bảo những yêu cầu gì?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Điều 15, Luật phòng chống tác hại thuốc lá quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá như sau:

1. Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

2. Việc ghi nhãn đối với thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được thực hiện bằng tiếng Việt, theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu;

b) Dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng;

c) Ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;

d) Không được sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người.

3. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần.

4. Cảnh báo sức khỏe quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.

5. Việc ghi nhãn trên bao bì thuốc lá xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

6. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe đối với thuốc lá quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

7. Chính phủ quy định cụ thể mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.

Thanh Tâm TSD: Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá quy định như thế nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Tại Điều 14 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá

1. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:

a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;

c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

2. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại Điều 6 của Luật này;

b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Thanh Tâm TSD: Việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện như thế nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện:

- Người quản lý ở khu vực đó sẽ lập biên bản vi phạm. Nếu người lập biên bản có thẩm quyền xử phạt vi phạt hành chính thì sẽ lập biên bản xử phạt. Còn trong trường hợp người không đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Công an, UBND các cấp, Quản lý thị trường, hải quan, Bộ đội biên phòng, cơ quan thanh tra...

Thanh Tâm TSD: Liệu quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc có khả thi?

Ông Đinh Quang Hùng: Rất khả thi. Bởi quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc chúng ta đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; có Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; có các chế tài xử phạt. Hiện, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt như các quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá như: Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên, Công ty Viha...

Kim Khánh TN: Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất bao nhiêu% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá. Theo quy định tại Điều 15,Khoản 4 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá

Thiên Hà: Cai ngay lập tức và toàn bộ các điếu thuốc lá có làm tôi “bị sốc” không?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Cai ngay lập tức và toàn bộ các điếu thuốc lá không làm cho nghười cai nghiện thuốc bị sốc.

Nguyễn Thu- Phan Đình Phùng: Những người hút thuốc lá lâu có cai nghiện được không? biện pháp nào là nhanh nhất? Thái Nguyên đã có cơ sở nào đứng ra cai thuốc lá cho người người muốn cai nghiên?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Những người hút thuốc lá lâu có thể cai nghiện được. Sự cai nghiện phụ thuộc vào ý chí của người muốn cai nghiện và nên có phương pháp và lộ trình.

Hiện tại Thái Nguyên chưa có cơ sở nào đứng ra cai thuốc lá cho người muốn cai nghiện mà chỉ là tự cai.

Minh Hoàng: Hiện nay, việc quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng internet rất phổ biến. Họ có đề cập đây là loại thuốc lá thay thế, vừa lịch sự lại không gây hại như thuốc lá thông thường. Tôi muốn hỏi những thông tin này có đúng không? Nếu không đúng và vi phạm quy định pháp luật thì cơ quan chức năng có cách nào xử lý?

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị như thế nào trong phòng chống tác hại thuốc lá? Trường hợp người đứng đầu cùng vi phạm thì phải xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất được biết là tác nhân gây ung thư. Nhưng không chỉ thuốc lá thông thường mới độc cho cơ thể; thuốc lá điện tử cũng vậy, cùng với nhiều mối lo ngại về sức khỏe và an toàn.

Vấn đề? chính là nicotin lỏng. Nicotin lỏng được chiết xuất từ lá cây thuốc lá, nhưng không giống như lá cây thuốc lá, nicotin lỏng có thể gây chết người. Chất này có thể gây hại khi hít vào, khi ăn hoặc khi hấp thu qua da. Chỉ một liều nhỏ cũng nguy hiểm – chưa đến một thìa canh nicotin lỏng của nhiều loại thuốc lá điện tử trên thị trường cũng đủ giết chết một người lớn, và chỉ một thìa cà phê là đủ giết chết một trẻ em.

Một số nghiên cứu cho thấy không chỉ nicotin mới gây nguy hiểm. Nhiều loại thuốc lá điện tử cũng giải phóng ra kim loại trong khi sử dụng - ví dụ như thiếc, cũng như những chất không tinh khiết khác gây độc và/hoặc gây ung thư. Do đó việc quảng cáo thuốc lá điện tử không gây hại là chưa đúng. Chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Minh Tân: Cho tôi hỏi: Bỏ hút thuốc lá có dễ không? và có thể cai nghiện thuốc lá bằng cách giảm từ từ số lượng hút mỗi ngày không?. Thời điểm nào được xem là thích hợp nhất để cai thuốc lá?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Bỏ thuốc lá không dễ nhưng nếu quyết tâm bỏ chắc chắn sẽ bỏ được. Có thể cai nghiện thuốc lá bằng cách giửm từ từ số lượng hút thuốc mỗi ngày. Không có thời điểm nào bỏ thuốc lá thích hợp mà bỏ càng sớm càng tốt và ngay hôm nay.

Ảnh: M.H

Thiên Hương TV: Muốn cai nghiện thuốc lá có thể dựa hoàn toàn vào ý chí hay cần có một phương pháp và lộ trình thích hợp?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Ý chí là yếu tố quyết định. Có thể cần có phương pháp và lộ trình.

Nghĩa Dũng: Tại sao có người cai thuốc lá hết sức dễ dàng, người khác lại cai thuốc lá hết sức khó khăn?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Tùy thuộc vào ý chí quyết tâm của từng người.

Quế Chi (Bắc Giang): Có phải bỏ hút thuốc sẽ làm béo phì, tăng huyết áp?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Không. mà ngược lại hút thuốc sẽ làm tăng béo phì và tăng huyết áp.

Quế Chi (Bắc Giang): Tôi muốn biết các bước cần thực hiện trong việc cai nghiện thuốc lá, bởi thực tế tôi đã cai nghiện một vài lần nhưng không thành công?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Các bước cần thực hiện trong việc cai nghiện thuốc lá gồm: - Xác định lý do cai thuốc - Đánh giá tình trạng mức độ cơ thể phụ thuộc vào nicotin.

- Kinh nghiệm cai thuốc trong quá khứ.

- Đối phó với các yếu tố kích thích.

- Các nguồn hỗ trợ khi cai thuốc.

- Dược phẩm hỗ trợ khi cai thuốc.

– Lập kế hoạch cai thuốc

Nguyệt Cát: Tôi phải ăn uống như thế nào để tránh tăng cân khi cai thuốc lá? Tôi nên thay đổi thói quen uống rượu bia như thế nào khi cai thuốc lá?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Ăn uống bình thường, ăn đầy đủ các chất giàu vitamin và chất khoáng.

Không có sự thay đổi thói quen nào về uống rượu, bia khi cai thuốc lá, mà cần hạn chế rượu, bia.

Diệu Anh: Sau khi cai thuốc lá bao lâu thì các nguy cơ tác hại sức khỏe của thuốc lá giảm đi?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Ngay sau khi cai thuốc lá thì tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe giảm đi.

Phú Trọng: Tại sao không cấm việc sản xuất, nhập khẩu mà lại cấm thuốc lá?. Tôi cho rằng, việc xử phát các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay hầu như chưa thực hiện được do thiếu lực lượng chức năng. Vậy có nên thực hiện việc xử phạt “nguội”, tức là qua các hình ảnh ghi lại?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trong Luật không có quy định cấm hoàn toàn sản xuất và bán thuốc lá vì nhiều lý do. Trong một thời gian dài tác hại của thuốc lá chưa được biết rõ, đồng thời, thuốc lá có khả năng gây nghiện, vì vậy nó đã trở thành một sản phẩm phổ biến rộng rãi và trở thành một ngành công nghiệp trên thế giới.

Do đó, việc quy định cấm hoàn toàn sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người hiện đang làm việc trong ngành này. Hơn nữa, nếu một quốc gia nào đó cấm hút thuốc lá, nhưng do nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân còn rất lớn, thuốc lá lại là sản phẩm gây nghiện, từ đó sẽ dẫn tới việc sản xuất bất hợp pháp và buôn lậu thuốc lá gia tăng.

Như vậy, nếu quy định cấm hoàn toàn việc sản xuất và bán thuốc lá tại Việt Nam là không khả thi và không phù hợp. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.

Hiện nay các cơ quan chức năng đang nghiên cứu cơ chế phạt nguội đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định về cấm hút thuốc lá.

Hoàng Văn Mậu: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá có cần bảo đảm điều kiện gì không?

Ông Đinh Quang Hùng: Theo điều 12 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nơi dành riêng cho người hút thuốc lá cần bảo đảm các điều kiện sau:

a) Có phòng và hệ thống không khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Có dụng cụ chứa các mẩu tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;

c) Có dụng cụ phòng cháy, chữa cháy.

Nguyễn Huy: Xin cho biết, những địa điểm nào cấm hút thuốc lá hoàn toàn? Người hút thuốc lá có nghĩa vụ gì?

Ông Đinh Quang Hùng: Câu bạn hỏi chúng tôi đã trả lời ở phần giao lưu trên còn về Nghĩa vụ của người hút thuốc lá Điều 13 quy định:

1. Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

2. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.

3. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Ảnh: M.H

Nguyễn Lợi: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà. Xin cho biết, địa điểm trong nhà là những địa điểm nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Địa điểm trong nhà có thể hiểu là: Nhà có một mái và một bức tường. Vậy nơi nào có Nhà là địa điểm cấm hút thuốc lá, ví dụ như Điểm chờ xe buýt có mái che và biển quảng cáo đằng sau và ghế chờ.

Lê Lai: Việc ghi nhãn, in hình cảnh báo sức khỏe trên bao bì liệu có làm gia tăng tình trạng buôn bán thuốc lá lậu hay không? Bởi thực tế hiện nay tôi thấy rất nhiều người tìm mua các loại thuốc lá không in hình cảnh báo sức khỏe?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Như chúng ta biết việc cảnh bảo sức khỏe khi sử dụng thuốc lá là quy định bắt buộc đối với các nhà sản xuất kinh doanh thuốc lá, tuy nhiên trên thực tế người sử dụng thuốc lá thường bỏ qua các cảnh báo này, do đó chưa có cơ sở để nói việc in hình ghi nhãn làm gia tăng tình trạng buôn bán thuốc lá lậu,

Việc mua bán sử dụng thuốc lá lậu chủ yếu là do việc thuốc lá lậu không phải đóng thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt dẫn đến làm giảm giá thành của một số loại thuốc, người sử dụng thuốc lá có cơ hội tiếp cận do giá thành rẻ lại được sử dụng thuốc lá ngoại.

Nhiều người sử dụng thuốc lá không in hình cảnh báo sức khỏe là do các hình ảnh và cảnh báo gây cảm quan và tâm lý không tốt cho người sử dụng

Hoàng Hưng: Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có quy định độ tuổi được phép mua bán và sử dụng thuốc lá hay không? Quy định đó như thế nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, trong Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 4, 5, 6 ghi rõ:

Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng mua bán thuốc lá;

Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá;

Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Nguyễn Văn: Công dân có quyền, nghĩa vụ gì trong phòng, chống tác hại thuốc lá?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Điều 7 của Luật phòng chống tác hại quy định Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:

1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Sơn Hà: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực từ khi nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2013. Được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ ba thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012.

Lê Tùng: Chi phí xã hội cho hút thuốc lá ở Việt Nam và các nước trên thế giới là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Theo tài liệu được công bố bởi Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá quốc gia (VINACOSH):

Sử dụng thuốc lá làm tăng gánh nặng kinh tế cho các quốc gia. Mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 200 tỷ USD. Đồng thời tiêu thụ thuốc lá tỷ lệ thuận với chi phí y tế. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tại các nước có thu nhập cao chi phí chăm sóc sức khỏe do thuốc lá ước tính từ 6-15% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Chi phí xã hội cũng theo đó mà tăng cao: Hàng năm Mỹ thiệt hại 170 tỷ USD, Trung Quốc 5 tỷ USD, Úc 21 tỷ USD …

Nếu trong nhà có người nghiện thuốc lá, tổn hại kinh tế cho gia đình là rất rõ ràng. Như vậy, ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia như tăng chi phí chữa bệnh do hút thuốc gây ra; giảm năng suất lao động; gây cháy nổ hủy hoại môi trường ...

Hút thuốc lá gây lãng phí phần đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các gia đình nghèo. Tiền mua thuốc cũng làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe hộ gia đình.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tại Australia là 7%, ở Hungary là 10.4%, và ở nông thôn tây nam Trung quốc là 11%. Ở Bangladesh nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng, tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá thuốc lá làm giảm sức lao động và tổn thất đến năng suất lao động.

Bên cạnh đó, người hút thuốc và xã hội còn phải gánh chịu những chi phí do khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá gây ra. Tại Việt Nam, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.

Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường…

Theo thống kê, năm 2012, người dân Việt Nam đã chi cho việc mua thuốc lá vào khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Vì vậy, nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình.

Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghãn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra trong năm 2011 là hơn 23 nghìn tỷ đồng (23.139,3). Ngoài ra, các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị 22 bệnh còn lại (tại Thái Lan tổng chi phí này là hơn 414 triệu USD/năm); chi phí giảm hoặc mất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm liên quan đến thuốc lá, (tại Mỹ: 167 tỷ USD/năm; Úc: 23 tỷ USD/năm); chi phí nghỉ giữa giờ để hút thuốc, tổn thất do cháy nổ liên quan đến thuốc lá (Úc: 63 triệu AUD/ năm; Canada: 81,5 triệu CAD/năm), chi phí vệ sinh môi trường tăng …

Với những con số thống kê trên, có thể thấy tổn thất kinh tế do hút thuốc lá gây ra là không hề nhỏ, ảnh hưởng trên quy mô quốc gia và tác động trực tiếp đến đời sống của từng hộ gia đình có người sử dụng thuốc lá.

Nguyễn Sơn: Thuốc lá gây tác hại như thế, tại sao Nhà nước không cấm sản xuất thuốc lá?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin.

Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da.

Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.

Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy v.v.

Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.

Trong Luật không có quy định cấm hoàn toàn sản xuất và bán thuốc lá vì nhiều lý do. Trong một thời gian dài tác hại của thuốc lá chưa được biết rõ, đồng thời, thuốc lá có khả năng gây nghiện, vì vậy nó đã trở thành một sản phẩm phổ biến rộng rãi và trở thành một ngành công nghiệp trên thế giới.

Do đó, việc quy định cấm hoàn toàn sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người hiện đang làm việc trong ngành này. Hơn nữa, nếu một quốc gia nào đó cấm hút thuốc lá, nhưng do nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân còn rất lớn, thuốc lá lại là sản phẩm gây nghiện, từ đó sẽ dẫn tới việc sản xuất bất hợp pháp và buôn lậu thuốc lá gia tăng.

Như vậy, nếu quy định cấm hoàn toàn việc sản xuất và bán thuốc lá tại Việt Nam là không khả thi và không phù hợp. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Đồng thời, ma túy, nicotin trong khói thuốc lá đều là chất gây nghiện, nhưng ở các mức độ khác nhau theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Ảnh: M.H

Nguyễn Hoàng Nam: Các cơ quan báo chí, truyền thông cần có hành động như thế nào để tuyên truyền cho mọi người dân và các tổ chức thực hiện nghiêm Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Luật phòng chống tác hại thuốc lá quy định rõ về chức năng đối với các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Các cơ quan báo chí truyền thông đã có nhiều biện pháp tuyên truyền về tác hại thuốc lá như tổ chức hội đàm, phát tờ rơi, sổ tay treo băng rôn khẩu hiệu ...về tác hại của thuốc lá.

Minh Hải: Thuốc lá có phải là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng yếu sinh lý đối với người nghiện?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Đúng. Thuốc là là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng yếu sinh lý đối với người nghiện.

Mạnh Hải: Thuốc lá “nhẹ”, thuốc lá dành cho phụ nữ có an tòan hơn thuốc lá điếu không ?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Không có loại thuốc lá "nhẹ" dành cho phụ nữ mà là hàm lượng Nicotin trong thuốc lá thấp hay cao. Hàm lượng nicotin trong thuốc lá thấp thì mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ thấp hơn so với hàm lượng cao.

Nguyễn Hoàng Nam: Xin hỏi,ngành công nghiệp thuốc lá hoàn toàn do con người tạo ra, việc này có thể được đảo ngược bằng những nỗ lực đồng thời của Chính phủ và cộng đồng hay không? Với cá nhân và cả các cơ quan chức năng cần hành động thế nào để nói không với thuốc lá?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Ngành công nghiệp thuốc lá đã mang lại lợi ích không nhỏ về kinh tế cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, xét về mặt tác hại thì thuốc lá là một ngành sản xuất có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường.

Theo một số thống kê thì việc sản xuất kinh doanh sản phẩm thuốc lá có đóng góp rất lớn đối với nguồn thu của ngân sách quốc gia. Tại Việt Nam, chúng ta chưa cấp sản xuất và kinh doanh thuốc lá, nhưng chúng ta có cấm sử dụng sản phẩm thuốc lá.Các cơ quan chức năg và cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng chống tác hại của thuốc lá.Thực hiện đúng các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản có liên quan.

Lưu Nguyên: Thông thường, hút khoảng bao nhiêu điếu thuốc là trong một ngày thì không gây nghiện?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Hút thuốc lá khởi phát gây nghiện thuốc lá rất nhanh không lệ thuộc vào thời gian và số lượng điếu thuốc hút trong một ngày.

Nguyễn Minh: Có mối liên hệ nào giữa nghiện thuốc lá và nghiện rượu không?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Nghiện thuốc lá và nghiện rượu là hai hành vi thường song hành với nhau, người nghiện rượu nặng thường nghiện thuốc lá và 95% người nghiện thuốc lá là nghiện rượu.

Xuân Tiếp: Tôi từng nghe đến một khái niệm là “nghiện tâm lý” khi hút thuốc lá, có thể hiểu điều này như thế nào?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: "Nghiện tâm lý" khi hút thuốc lá là một khái niệm rất phức tạp về tâm lý bao gồm yếu tố tinh thần và hành vi. Khi người hút thuốc có tâm lý là hút thuốc sẽ làm cho tinh thần minh mẫn nhưng thực tế thì không phải vậy.

Nguyễn Trung Dũng: Việc ép người khác hút thuốc lá liệu có vi phạm và bị xử lý ra sao?

Ông Đinh Quang Hùng: Theo Điều 9 Các hành vi bị nghiêm cấm của Luật Phòng chống tác hại của thuôc lá, khoản 9: Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Tại điều 27 khoản 2 mục b của Nghị định 176/2013: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Nguyễn Vinh: Hút thuốc lá ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Hút thuốc lá ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp. Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng hô hấp của phổi - Gây lên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - Bệnh hen - Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp - Bệnh ung thư phế quản phổi ...

Phùng Hữu Thanh: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm như thế nào trong việc phòng chống tác hại thuốc lá?. Trường hợp người đứng đầu vi phạm quy định về sử dụng thuốc lá nơi công cộng thì phải xử lý thế nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Theo Điều 6 của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hằng năm; quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong trường hợp người đứng đầu vi phạm quy định về sử dụng thuốc lá nơi công cộng thì xử phạt vi phạm hành chính như một công dân bình thường.

Hoàng Sửu: Thế nào là hút thuốc lá thụ động? hút thuốc thụ động gây ra những bệnh gì?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tính: Hút thuốc lá thụ động là người không chủ động hút thuốc lá mà vô tình hít phải khói thuốc lá. Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra các bệnh như hút thuốc lá chủ động bao gồm: bệnh tim mạch, bệnh huyết áp. bệnh hô hấp. đặc biệt là các bệnh ung thư... hút thuốc lá làm giảm tuổi thọ.

Phụ nữ hút thuốc lá làm thay đổi nồng độ của nhiều chất nội tiết tố trong đó có estrogen làm cản trở sự rụng trứng và làm xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt.Bà mẹ hút thuốc lá có thể sinh con thiếu tháng, và những đứa tre sinh ra như vậy thường sinh trưởng kém.

Hút thuốc lá cũng có thể gây hiếm muộn ở cả đàn ông cũng như đàn bà. Đối với trẻ thơ thì thuốc lá có hại nhiều hơn, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển một cách đầy đủ.

Phùng Hữu Thanh: Xin cho biết một số thông tin cơ bản về vấn đề buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép thuốc lá nhập lậu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Năm 2016 Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra và xử lý 24 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá, tịch thu 1.284 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, phạt hành chính: 39.500.000 đồng.

Năm 217 xử lý 8 vụ thuốc lá lậu, phạt hành chính 21.890.000đ, Tịch thu xử lý số lượng hàng hóa giá trị 35.490.000đ

Hoàng Thị Yến: Hiện nay, việc quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng internet rất phổ biến. Họ có đề cập đây là loại thuốc lá thay thế, vừa lịch sự lại không gây hại như thuốc lá thông thường. Tôi muốn hỏi những thông tin này có đúng không? Nếu không đúng và vi phạm quy định pháp luật thì cơ quan chức năng có cách nào xử lý?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất được biết là tác nhân gây ung thư. Nhưng không chỉ thuốc lá thông thường mới độc cho cơ thể; thuốc lá điện tử cũng vậy, cùng với nhiều mối lo ngại về sức khỏe và an toàn.

Vấn đề? chính là nicotin lỏng. Nicotin lỏng được chiết xuất từ lá cây thuốc lá, nhưng không giống như lá cây thuốc lá, nicotin lỏng có thể gây chết người. Chất này có thể gây hại khi hít vào, khi ăn hoặc khi hấp thu qua da. Chỉ một liều nhỏ cũng nguy hiểm – chưa đến một thìa canh nicotin lỏng của nhiều loại thuốc lá điện tử trên thị trường cũng đủ giết chết một người lớn, và chỉ một thìa cà phê là đủ giết chết một trẻ em.Một số nghiên cứu cho thấy không chỉ nicotin mới gây nguy hiểm. Nhiều loại thuốc lá điện tử cũng giải phóng ra kim loại trong khi sử dụng - ví dụ như thiếc, cũng như những chất không tinh khiết khác gây độc và/hoặc gây ung thư.

Do đó việc quảng cáo thuốc lá điện tử không gây hại là chưa đúng. Chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Nguyễn Thị Huyền: Tôi là một công nhân, ở công ty tôi có những khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Ngược lại, những ai hút thuốc không đúng vị trí và trong quá trình sản xuất sẽ bị phạt rất nặng như trừ lương, thưởng, thậm chí bị đuổi việc. Tôi nghĩ đây là mô hình tốt và tất cả các doanh nghiệp nên áp dụng điều này. Xin hỏi trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi làm được thế này chưa?

Ông Đinh Quang Hùng: Xây dựng môi trường không khói thuốc là đúng với tinh thần của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, khi hút thuốc lá mà bị trừ vào lương là vi phạm Bộ luật Lao động, Công ty của bạn chỉ nên "đánh" vào thi đua, khen thưởng.

Ở một số công ty trên địa bàn tỉnh có phòng riêng cho người hút thuốc lá: trong phòng này có gạt tàn, bình cứu hỏa; quạt thông gió...

Chu Văn Giang: Thực tế tôi nhận thấy, rất nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh có trưng bày thuốc lá. Điều này vi phạm những quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, vậy các lực lượng chức năng của tỉnh có xử phạt những trường hợp này không? Đã có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt trong năm 2017?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Việc cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá được phân cấp thuộc thẩm quyền của UBND các huyện thành thị. Bán lẻ thuốc lá không có giấy phép chắc chắn sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Năm 2017 lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện và xử lý trường hợp bán lẻ sản phẩm thuốc lá không phép.

Chu Văn Giang: Xin hỏi, Thái Nguyên có phải là địa bàn trọng điểm trong việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu không?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Thái Nguyên là tỉnh trung du, miền núi không có đường biên giới nên không có tình trạng nhập lậu thuốc lá điếu. Thị trường chủ yếu tiêu thụ dưới hình thức bán lẻ tập trung tại các khu đô thị, các nhà hàng, khách sạn và khu du lịch. Với thủ đoạn mỗi lần vận chuyển chỉ có số lượng ít thuốc lá được cất giấu trong người, tránh sự kiểm tra phát hiện của các lực lượng chức năng, các đối tượng thực hiện mang vào tiêu thụ trong địa bàn tỉnh; nguồn hàng chủ yếu được vận chuyển vào từ các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Lạng Sơn, một số tỉnh miền trung và được để lẫn trong các loại hàng hóa khác rồi bằng nhiều phương tiện như xe khách, xe tải, xe du lịch, xe máy vận chuyển vào thị trường Thái Nguyên để tiêu thụ... Hoạt động bán lẻ không bày bán công khai mà được cất giấu khi có khách hỏi mua thì mới đem bán và luôn cảnh giác cao đối với công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng vì vậy rất khó nắm bắt, thu thập thông tin phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Thời gian qua, Chi cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; chủ động phối hợp với cơ quan Báo, Đài truyền hình và các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân địa phương, các thành phần kinh doanh về các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, dịch vụ và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Có thể nói Thái Nguyên không phải là địa bàn trọng điểm trong việc vận chuyển,buôn bán thuốc lá lậu

Hoàng Minh Sử: Việc tăng thuế, tăng giá bán nhằm hạn chế những người hút thuốc lá liệu có ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của Nhà nước hay không?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ làm cho giá thành sản phẩm của loại hàng hóa này tăng lên và có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát nạn buôn lậu thuốc lá, gây nhiễu loạn thị trường và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách do giảm nguồn thu từ các Cty sản xuất thuốc lá và thất thu thuế do không thu được từ hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Việc tăng thuế sẽ làm tăng giá đối với thuốc lá, và càng khiến cho người nghèo càng khó tiếp cận với thuốc lá được sản xuất và kiểm soát chất lượng của các Cty sản xuất thuốc lá hợp pháp. Việc tăng các loại thuế đối với sản phẩm thuốc lá cần phải tiến hành từ từ, có thời gian.

Ảnh: Đ.H

Hoàng Minh Sử: Xin cho biết, nguồn kinh phí hiện nay của Nhà nước ta dành cho việc phòng chống tác hại thuốc lá như thế nào?

Ông Đinh Quang Hùng: Kinh phí dành cho tỉnh Thái Nguyên về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2016 là 2 tỷ 550 triệu đồng. Bao gồm các lĩnh vực:

+ Tuyên truyền trên Báo Thái Nguyên: Xây dựng 24 chuyên mục; tổ chức hai diễn đàn trực tuyến trên Báo Thái Nguyên điện tử;

+ Sản xuất biển báo (Cấm hút thuốc lá) với số lượng: 9.000 chiếc. cấp cho các ngành: Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nứ tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao vầ Du lịch; 9 huyện, thành, thị và UBND các xã phường trên địa bàn tỉnh.

+ Sản xuất tờ rơi tuyên truyên về tác hại của thuốc lá; tờ rơi tuyên truyền của việc hút thuốc lá thụ động với số lượng 100.000 tờ.

+ Sản xuất 90 chiếc Pano tuyên truyền Luật và tác hại của thuốc lá cấp cho 30 nhà máy, xí nghiệp;

+ Tổ chức các cuộc thi, diễu hành tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công an tuyến tỉnh, tuyến xã phường; tổ chức các lớp tập huấn cho các đoàn thanh tra liên ngành. Tổ chức ít nhất 10 đợt thanh tra liên ngành gồm các đơn vị: Thanh tra Sở Y tế, Quản lý thị trường, Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc....

Hoàng Văn Minh: Shisha có phải là một loại thuốc lá không? Nó có bị cấm không?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Shisha là một thiết bị có một hoặc nhiều thân (thường làm bằng thủy tinh) dùng để hút thuốc lá, trong đó khói được lọc và làm lạnh bằng cách đi qua nước. Người ta sử dụng shisha để hút các loại cỏ hương liệu với các loại mùi có xuất xứ chủ yếu từ Ả Rập

Phạm Văn Thắng: Theo tôi biết, một số tỉnh khác đã có nhà hàng không khói thuốc. Xin hỏi tại Thái Nguyên đã có nhà hàng nào xây dựng thành công mô hình “nhà hàng không khói thuốc chưa”?

Ông Đinh Quang Hùng: Theo số liệu qua 4 cuộc thanh tra của thanh tra Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, hiện tại trên địa bàn tỉnh tất cả các nhà hàng đều có biển cấm hút thuốc lá tại các phòng ăn và các sảnh chờ; có địa điểm dành cho người hút thuốc lá.

Tuy nhiên chưa có nhà hàng nào thực hiện được việc cấm hút thuốc lá tại nhà hàng. Tuy nhiên, theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thì nhà hàng không phải là địa điểm cấm hút thuốc lá tuyệt đối. Nhà hàng là những nơi tập trung đông người thì việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có ảnh hưởng nhất định đến các đối tượng nghiện hút thuốc lá.

Phạm Thị Huệ: Thuốc lá điện tử có được kiểm soát chất lượng không?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Mặc dù đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay, song nhiều cơ quan quản lý và chuyên gia y tế vẫn chưa biết chắc về mức độ an toàn thực sự của thuốc lá điện tử. Mối lo ngại bao gồm thiếu sự minh bạch về tất cả những thành phần được sử dụng cũng như thiếu sự cam kết của các nhà sản xuất về độ an toàn của sản phẩm.

Ví dụ, năm 2009, FDA Mỹ đã phát hiện một số ống nicotin lỏng chứa khoảng 1% diethylene glycol (DEG), một chất độc cũng có trong dung dịch chống đông. Vấn đề còn tệ hơn ở chỗ lượng nicotin được ghi trên nhãn của ống đựng có thể không đúng với lượng thực sự có trong ống. Thí nghiệm của FDA đã cho thấy ống đụng của cùng một nhãn hiệu sản xuất có thể giải phóng ra lượng nicotin chênh nhau đáng kể, từ 26,8 – 43,2 mcg nicotine/100 ml. Còn những loại ống không nicotin thì sao? Thí nghiệm cho thấy người sử dụng vẫn nhận được liều thấp, bất chấp các tuyên bố. Hiện tại ở Việt Nam chưa có đầy đủ các văn bản quy định để kiểm soát chất lượng của thuốc lá điện tử

Phạm Thị Huệ: Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại thuốc lá điện tử. Xin hỏi loại thuốc lá này khác thuốc lá truyền thống như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Thưa độc giả, điểm khác nhau cơ bản giữa thuốc lá điện từ và thuốc lá truyền thống là thuốc lá điện tử không sử dụng lá thuốc lá (sợi thuốc lá). Thuốc lá điện tử thực chất là một loại thiết bị làm bay hơi; thay vì đốt cháy lá thuốc lá, thiết bị này đốt nóng chất lỏng, chất lỏng sẽ biến thành hơi và được hít vào. Dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử cũng có chứa nicotin nhưng ở dạng lỏng.

Nguyễn Hữu Thuần: Tại sao cần cấm đóng bao gói nhỏ dưới 20 điếu?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Thuốc lá cũng như các sản phẩm tiêu dùng khác nếu đóng bao gói càng nhỏ thì càng khuyến khích tiêu dùng vì hợp với túi tiền của các em thiếu niên. Đối với trẻ em còn đi học ở trường thường chỉ được cho một ít tiền ăn hay tiêu vặt. Các em sẽ không muốn mua cả bao thuốc lá 20 điếu với số tiền ít ỏi của mình. Vì vậy, các công ty thuốc lá đã sáng kiến tạo ra các bao thuốc lá với số điếu ít hơn và vì vậy hợp túi tiền các em nhỏ hơn.

Ở các nước, bao thuốc lá ít hơn 20 điếu được gọi là “kiddie pack”, có nghĩa là “bao thuốc lá trẻ em”. Những bao thuốc lá nhỏ này được thiết kế với kiểu dáng hấp dẫn, mẫu mã bao bì đẹp, được quảng cáo như một sự sành điệu và tiện lợi hơn khi sử dụng.

Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên. Vì vậy cấm bán bao thuốc đóng gói nhỏ dưới 20 điếu là nhằm ngăn ngừa việc bắt đầu hút thuốc trong thanh thiếu niên.

Việc cho phép đóng bao gói nhỏ dưới 20 điếu sẽ làm vô hiệu hóa quy định in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh vì khi đó phần các hình ảnh trên cảnh báo sức khỏe sẽ rất nhỏ, khó nhìn và mất tác dụng cảnh báo tác hại thuốc lá tới người tiêu dùng.

Hiện nay bao gói nhỏ còn đang rất ít bán tại Việt Nam, vì vậy cần thực hiện quy định này ngay khi luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực sẽ tốt hơn là để lan tràn rồi cấm. Việc đóng gói bao nhỏ dưới 20 điếu hiện được cho phép ở Việt Nam là trái với Điều 16 của Công ước Khung FCTC: “Mỗi Bên sẽ nỗ lực ngăn cấm việc bán thuốc lá lẻ hoặc những bao thuốc lá nhỏ mà điều này sẽ làm tăng khả năng mua đối với các sản phẩm này ở trẻ vị thành niên”.

Việc đóng gói bao thuốc nhỏ cũng là trái với Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ:”...cấm bán các bao thuốc lá được đóng gói dưới 20 điếu”. Do đó cần cấm đóng bao gói thuốc lá nhỏ dưới 20 điếu

Xem lại buổi giao lưu trực tuyến tại địa chỉ http://giaoluu.baothainguyen.vn/