Để lễ hội thật sự có ý nghĩa

07:38, 22/02/2018

Sau Tết cổ truyền, lễ hội diễn ra ở nhiều địa phương, thu hút đông đảo khách thập phương về tế lễ, du xuân. Để hiểu hơn về công tác tổ chức, quản lý lễ hội và để lễ hội ngày xuân thêm ý nghĩa, chúng tôi phỏng vấn đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch.

P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của các lễ hội hiện nay?

 

Đồng chí Phạm Thái Hanh: Từ bao đời nay, lễ hội mùa xuân đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Nhìn chung, các lễ hội đều gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Phương thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa phần lễ và phần hội, bao gồm giữa nghi thức theo quy định của Nhà nước, tín ngưỡng dân gian và các trò chơi truyền thống… Các lễ hội mùa xuân không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân đã truyền nghề mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

 

P.V: Mục đích của việc tổ chức các lễ hội đầu xuân là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thái Hanh: Các lễ hội truyền thống đầu xuân với sức sống mãnh liệt vốn có đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nhu cầu, khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đây cũng là dịp quảng bá cho du khách trong và ngoài nước thấy được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như những phong tục, tập quán của nhiều vùng, nhiều dân tộc sinh sống ở các địa phương trong tỉnh. Đến lễ hội có đông đảo du khách thập phương, không phân biệt lứa tuổi với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện. Sau một năm bận rộn, tham gia trẩy hội ngày xuân, du khách có dịp giải tỏa những lo âu, phiền muộn của cuộc sống thường nhật, được thư giãn tinh thần với những trò chơi lành mạnh trong ngày hội, được tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Hiện nay, tỉnh ta có bao nhiêu lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thái Hanh: Thái Nguyên là địa phương có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, theo kết quả điều tra văn hóa phi vật thể của tỉnh, tỉnh Thái Nguyên có hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có trên 80 lễ hội. Theo đó, nét đẹp trong đời sống văn hóa được các thế hệ lưu truyền, gìn giữ và phát huy thông qua nhiều hoạt động, trong đó có việc tổ chức các lễ hội. Cho tới nay, cứ vào dịp đầu xuân, tỉnh ta lại tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, như: Hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa); Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Chùa Hang (Đồng Hỷ)… Tại các lễ hội, sau phần lễ đầu xuân tưởng nhớ công lao của các anh hùng đã có công đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc là phần hội, với nhiều hoạt động vui tươi, sôi động với các màn hát múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cùng các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cầu kiều, bắt trạch trong chum, bắn nỏ, chọi gà, kéo co... thu hút đông đảo du khách thập phương.

P.V: Lễ hội mùa xuân có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân là vậy. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay công tác quản lý lễ hội ở một số nơi vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Đồng chí có thể nói rõ hơn những bất cập đó?

Đồng chí Phạm Thái Hanh: Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngay trong quý IV/2017 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Chính vì vậy, các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh được các địa phương quan tâm làm tốt công tác tổ chức lễ hội, dần khắc phục những bất cập tồn tại trong những kỳ tổ chức trước đây. Các lễ hội đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương … Tuy nhiên, ở một số ít lễ hội công tác tổ chức, quản lý lễ hội vẫn chưa được tốt như: đốt vàng mã quá nhiều, đặt tiền công đức không đúng quy định, vệ sinh môi trường, công tác đảm bảo trật tự giao thông, bố trí sắp xếp các hàng, quán dịch vụ phục vụ du khách chưa khoa học, một số phí dịch vụ như trông giữ xe giá còn cao và chưa thống nhất.

P.V: Thưa đồng chí, vậy nguyên nhân chính của những bất cập này là gì?

Đồng chí Phạm Thái Hanh: Nguyên nhân của những bất cập là do một số ít địa phương, Ban quản lý chưa bao quát tốt các nội dung của lễ hội; chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong, sau lễ hội; một số người dân chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định trong quá trình tham gia lễ hội…

P.V: Để lễ hội thực sự có ý nghĩa, vui tươi và lành mạnh, chúng ta cần phải làm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thái Hanh: Các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tổ chức lễ hội mà trước tiên là ngăn chặn triệt để các hoạt động lợi dụng lễ hội để trục lợi. Khâu tổ chức các lễ hội phải có kịch bản được các cơ quan chức năng kiểm soát, phê duyệt. Kết hợp hài hòa giữa phần lễ và phần hội, theo đó, phần “lễ” phải thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống, tạo được không khí linh thiêng, trang trọng, loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Phần ‘hội” cần chú trọng các trò chơi dân gian lành mạnh, truyền thống tốt đẹp. Ban tổ chức các lễ hội cần xây dựng được các phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự và giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong suốt thời gian lễ hội diễn ra. Tổ chức và quản lý tốt các lễ hội là thiết thực bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cổ truyền các dân tộc. Đó cũng là hoạt động có ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống, giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau tự hào về quê hương, đất nước và luôn biết hướng về cội nguồn.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!