“Không có chuyện ăn chặn tiền của các gia đình chính sách”

10:48, 12/02/2018

Vừa qua, một số thương binh, nạn nhân nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện Phú Lương đã phản ánh về việc họ không được nhận tiền hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Theo đó, dư luận cho rằng họ đã bị “ăn chặn” tiền chính sách. Vậy, cụ thể sự việc như thế nào? Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương.

P.V: Trước hết, bà có thể cho biết sơ bộ về việc hỗ trợ tiền cho các đối tượng chính sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh?

 

Bà Nguyễn Thúy Hằng: Ngày 8-12-2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh Thái Nguyên năm 2017, trong đó, tại mục c, Khoản 2, Điều 11 quy định: “Việc thực hiện chế độ thăm hỏi, động viên các gia đình thuộc diện chính sách (gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, quân nhân bị tai nạn nghề nghiệp) vào ngày lễ, Tết: 500.000 đồng/gia đình/năm”.

Trên địa bàn huyện có 1.755 đối tượng chính sách, trong đó 1.570 gia đình thuộc diện chính sách được thăm hỏi, động viên theo Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên. Huyện đã thực hiện tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn huyện vào dịp lễ, Tết theo quy định.

P.V: Vì sao lại có việc nhiều thương binh, người nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện bức xúc khi cho rằng họ không được nhận số tiền hỗ trợ này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Hằng: UBND huyện có nhận được đơn của các công dân Đặng Thái Sơn và Nguyễn Văn Sự, cư trú tại xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng, phản ánh cùng một nội dung: “Các đồng đội đang hưởng chính sách ở huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và T.P Sông Công được tỉnh tặng 500.000 đồng, trong khi các ông cũng là đối tượng chính sách nhưng lại không được hưởng số tiền đó”. Sau khi nhận được phản ánh của các công dân, chúng tôi đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xác minh và báo cáo cụ thể bằng văn bản gửi UBND tỉnh, ngành chức năng và các công dân để hiểu rõ sự việc, do năm 2017 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nên công tác tham mưu của phòng chuyên môn còn lúng túng, công tác tuyên truyền có thời điểm chưa kịp thời để các đối tượng chính sách hiểu đúng, đủ về nội dung Nghị quyết, dẫn đến công dân có đơn kiến nghị.

P.V: Theo nghị quyết của HĐND tỉnh thì số tiền 500.000 đồng là tiền quà lễ, Tết trong năm 2017 dành cho các đối tượng chính sách, nhưng sao huyện lại yêu cầu các xã lập danh sách để tặng nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Hằng: Theo Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, mỗi năm phân bổ kinh phí thực hiện chế độ thăm hỏi động viên các gia đình thuộc diện chính sách (gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, quân nhân bị tai nạn nghề nghiệp) vào ngày lễ, Tết số tiền là 500.000 đồng/gia đình/năm. Do đó, huyện Phú Lương đã thống nhất tặng quà cho mỗi gia đình chính sách vào 2 đợt: Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) là 200.000 đồng và dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12) là 300.000 đồng. Và trong năm 2018, chúng tôi cũng dự kiến chia thành 2 đợt trao tặng quà. Việc chia ra các đợt để tặng quà như vậy với mục đích là thể hiện sự quan tâm, động viên tinh thần đối với các gia đình chính sách vào dịp lễ, Tết.

P.V: Có ý kiến cho rằng tỉnh đã chuyển tiền về cho huyện từ đầu năm để làm quà lễ, Tết nhưng tại sao huyện lại chưa trao số tiền đó cho các gia đình chính sách, thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Hằng: Căn cứ nguồn kinh phí được tỉnh cấp và nguồn ngân sách của địa phương, huyện đã thực hiện việc trao tặng quà cho 1.570 đối tượng chính sách:  Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ số tiền là 200.000 đồng/gia đình; tổng kinh phí bằng 314.000.000 đồng; Dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam số tiền là 300.000 đồng/gia đình, tổng kinh phí bằng 471 triệu đồng đồng.

P.V: Thưa bà, kinh phí này không phải của huyện mà tỉnh đã chuyển về rồi thì tại sao lại có chuyện cân đối ngân sách địa phương?

Bà Nguyễn Thúy Hằng: Căn cứ Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh và Hướng dẫn số 351/HD-LN: STC-SLĐTB&XH ngày 19-7-2017 hướng dẫn kinh phí thực hiện chế độ tặng quà thăm hỏi, động viên các gia đình thuộc diện chính sách dịp lễ, Tết có nêu: “Trên cơ sở kinh phí được phân bổ tại Quyết định số 3435/QĐ-UBND của UBND tỉnh và khả năng cân đối ngân sách của các huyện, thành phố, thị xã để tổ chức thăm hỏi, động viên các đối tượng thuộc diện vào các ngày lễ, Tết theo quy định”.

Trên địa bàn huyện có 1.755 đối tượng chính sách, trong đó 1.570 gia đình thuộc diện chính sách được thăm hỏi, động viên theo Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên. Cùn cûá nguön ngân sách tỉnh cấp cho 1.290 đối tượng, huyện đã cân đối nguồn ngân sách địa phương cho các đối tượng còn lại để bảo đảm 100% các đối tượng trên địa bàn theo quy định đều được nhận quà. Như vậy, các đối tượng thụ hưởng đều được nhận quà từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện đúng theo quy định.

P.V: Nhưng tại sao dư luận lại cho rằng nếu không có ý kiến phản ánh của một số thương binh, người nhiễm chất độc hóa học thì họ đã bị “ăn chặn” số tiền hỗ trợ này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Hằng:Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Lương luôn quan tâm, chăm sóc các gia đình chính sách. Việc một số thương binh trên địa bàn huyện phản ánh chỉ đúng về hiện tượng nhưng bản chất thì chưa đúng. Vì thực tế trên cơ sở nguồn kinh phí được tỉnh phân bổ và điều kiện ngân sách địa phương, huyện đã thực hiện chế độ thăm hỏi các gia đình chính sách vào 2 đợt. Đợt 1, vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà với số tiền 200.000 đồng/gia đình. Đợt 2, vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tổ chức thăm hỏi, tặng quà với số tiền 300.000 đồng/gia đình. Như vậy, tính đến ngày 25-12-2017, huyện Phú Lương đã thực hiện chế độ thăm hỏi, động viên các gia đình thuộc diện chính sách theo Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh theo đúng định mức và đúng đối tượng là 500.000 đồng/gia đình/năm. Tôi khẳng định, không có chuyện “ăn chặn” tiền của các gia đình chính sách như một số người phản ánh.

Qua đây, huyện xin trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp, phản ánh và sự quan tâm của công dân về nội dung này.

P.V: Xin cảm ơn bà!