Đảm bảo ATVSTP trước các nguy cơ ngày càng tăng

12:43, 22/04/2018

An toàn thực phẩm là vấn đề được cả xã hội quan tâm, là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018”, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Lý Văn Cảnh, Giám đốc Chi cục ATVSTP tỉnh về vấn đề này.      

PV: Thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tình hình sử dụng chất cấm dùng trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đang gây nhiều nỗi lo cho người tiêu dùng, xin ông cho biêt tình trạng này ở Thái Nguyên ra sao?

Ông Lý Văn Cảnh: Năm 2017, qua các hoạt động giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm và hoạt động kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cho thấy: Giám sát tại 63 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; 62 bếp ăn tập thể; 25 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Giám sát, phân tích 205 mẫu thực phẩm (91 mẫu thịt đã qua chế biến, 45 mẫu bún ướt, 44 mẫu bánh phở, 25 mẫu nước uống đóng chai), số mẫu đạt chỉ tiêu giám sát 176/205 mẫu, 29 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh, chiếm 14,14%. Tổng số mẫu xét nghiệm năm 2017 là 3.292 mẫu, trong đó Trung tâm dịch vụ kỹ thuật và huấn luyện nghiệp vụ chất lượng Nông lâm thủy sản (Chi cục QLCLNLS-TS) kiểm nghiệm được 636 mẫu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên 841 mẫu.

TT

Loại xét nghiệm

Kết quả xét nghiệm mẫu

Tổng số mẫu xét nghiệm

Số mẫu

không đạt

Tỷ lệ % không đạt

    I.      Xét nghiệm tại labo

 

Hóa lý

17

2

11.76

 

Vi sinh

428

0

0

 Tổng số xét nghiệm tại labo

445

2

0.45

    II.

Xét nghiệm nhanh

2.847

269

9.45

 

Cộng

3.292

271

8.23

 

Kết quả trên cho thấy, tình hình thực phẩm bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cơ bản đã được kiểm soát.

PV: ATVSTP phải xuất phát ngay từ khâu đầu, ông nghĩ gì về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất, người kinh doanh khi đưa sản phẩm, hàng kém chất lượng ra thị trường?

Ông Lý Văn Cảnh: Quyền và nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định rõ tại Điều 7, Điều 8 của Luật An toàn thực phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm của cơ sở mình khi đưa ra thị trường.

PV: Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước có khá nhiều người tử vong do ngộ độc rượu, vậy phương cách nào để phòng tránh được tình trạng này? Việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và đồ uống có cồn hiện nay trên địa bàn tỉnh ra sao?

Ông Lý Văn Cảnh:  Tại tỉnh Thái Nguyên cho đến hiện nay chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc do rượu Methanol. Việc quản lý rượu và đồ uống có cồn hiện nay do ngành Công thương chịu trách nhiệm (theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về Kinh doanh rượu).

Để phòng tránh ngộ độc rượu cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau đây:

- Đối với cơ quan quản lý: Thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu và đồ uống có cồn.

- Đối với người dân: Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.

PV: Thái Nguyên hiện là khu công nghiệp lớn, có khá nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở này đã và đang được thực hiện như thế nào?

Ông Lý Văn Cảnh: Hiện nay các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh do ngành Y tế quản lý đã được phân cấp quản lý. Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu công nghiệp, cơ quan y tế thực hiện việc thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở có Giấy chứng nhận kinh doanh và ký cam kết đối với các cơ sở không có Giấy chứng nhận kinh doanh. Hàng năm các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp đã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, đồng thời phối hợp hướng dẫn tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

PV: Ông nghĩ thế nào về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong việc tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm?

Ông Lý Văn Cảnh: Người tiêu dùng luôn là lực lượng quan trọng trong phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Khi người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm rau, thịt không an toàn… thì các hành vi vi phạm về an toàn phẩm sẽ không còn tồn tại. Quyền và nghĩa vụ của người dân (người tiêu dùng thực phẩm) được quy định tại Điều 9 Luật ATTP.

Mọi người dân, đặc biệt người tiêu dùng cần chủ động, mạnh dạn trong việc phát hiện và tố giác các nguồn thực phẩm bẩn để dần dần đẩy lùi và bài trừ thực phẩm không bảo đảm an toàn ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Để phát huy tốt điều đó người dân cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng thành lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh của người dân, trực 24/24. Đường dây nóng Chi cục ATVSTP: 0208 3656866. Sau tiếp nhận, cơ quan chức năng cần phối hợp kịp thời để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, mang lại lòng tin cho nhân dân. Đảm bảo bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin và ban hành cơ chế khen thưởng cho người tham gia tố giác.

PV: Trong thời điểm hiện nay, theo ông, những giải pháp nào cần được đưa ra để đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh?

Ông Lý Văn Cảnh: Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về ATVSTP. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị dụng cụ để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, thanh kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm. Ban hành các văn bản quản lý về ATTP mang tính đặc thù của địa phương như: Các chỉ tiêu công bố phù hợp đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù; cơ chế quản lý đối với một số loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống như nấu cỗ lưu động…

P.V: Xin cảm ơn ông!