Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

16:48, 30/05/2018

Mùa hè, thời tiết nắng nóng dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân. Để hiểu rõ hơn về các loại dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè và biện pháp phòng, chống, chúng tôi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.

P.V: Trước tiên, xin ông cho biết tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Văn Trường: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh tại tỉnh ta tương đối ổn định, không có sự đột biến ở các địa phương trong toàn tỉnh; không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh gây dịch nguy hiểm. Bệnh sốt xuất huyết có số mắc, tuy nhiên giảm mạnh so với các tháng cuối năm 2017 (từ đầu năm đến nay có 3 ca mắc). Bệnh dại đã có 1 trường hợp tử vong tại thành phố Sông Công, giảm 1 ca so với cùng kỳ năm 2017. Các bệnh tay chân miệng, sởi/rubella, thủy đậu... có số mắc thấp hơn so với cùng kỳ 2017, rải rác tại các địa bàn, không có ổ dịch lớn, không có ca biến chứng nặng, không có tử vong.

P.V: Thưa ông, vào mùa hè thời tiết nắng nóng dễ phát sinh những loại dịch bệnh nào?

Ông Nguyễn Văn Trường: Các dịch, bệnh mùa hè dễ lây lan như: tay chân miệng, sởi/rubella, cúm, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ… Tất cả mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị dịch, bệnh tấn công nhất. Bên cạnh đó, với đặc điểm khí hậu của Việt nam và sự biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, ngoài việc chú trọng ngăn ngừa việc xâm nhập của các dịch bệnh nguy hiểm từ bên ngoài (như cúm A/H7N9, MesCoV...) và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người đang lưu hành ở Việt Nam (Cúm A/H5N1, A/H5N6...), chúng ta cần tiếp tục giám sát chặt chẽ một số dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết, Zika trong thời kỳ cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7.

P.V: Xin ông cho biết nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh?

Ông Nguyễn Văn Trường: Trong khi tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn có diễn biến phức tạp do tại nhiều nước trong khu vực số người mắc sốt xuất huyết vẫn duy trì ở mức cao. Sự di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng, miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Mặt khác, môi trường nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy. Với khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho nguồn truyền bệnh phát triển mạnh. Ngoài ra, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não... Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ...) cũng có thể gia tăng do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

P.V: Đối với một số dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cần có những đánh giá, dự báo tình hình chính xác nhằm đưa ra biện pháp phòng, chống nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trường: Ðể chủ động phòng, chống các dịch bệnh nêu trên có hiệu quả, ngay từ bây giờ, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế, chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh. Trong đó cần tập trung vào một số giải pháp: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh nguy hiểm, xử lý kịp thời, hiệu quả, tập huấn nâng cao năng lực cho các tuyến giám sát, đáp ứng, điều trị, nhất là tại các khu công nghiệp, khu vực vùng sâu, vùng xa, các ổ dịch tại cộng đồng. Triển khai tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế thấp nhất số mắc và số người chết do các bệnh truyền nhiễm. Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, để phòng tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

P.V: Hiện nay, tuy chưa bùng phát dịch, bệnh nguy hiểm, nhưng theo ông thì có cần tiêm vắc - xin để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân trước dịch bệnh hay không?

Ông Nguyễn Văn Trường: Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng chủ động bệnh tật. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất để bảo vệ cho người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và tránh xảy ra các vụ dịch. Tiêm chủng các loại vắc xin đầy đủ sẽ giúp bảo vệ cơ thể, phòng được rất nhiều căn bệnh đặc biệt nguy hiểm.

P.V: Cụ thể việc tiêm vắc - xin phòng, chống dịch bệnh mùa hè này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trường: Chương trình tiêm chủng mở rộng đã và đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc. Hàng tháng, trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng đều được tổ chức ở các trạm y tế xã/phường/thị trấn. Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới một tuổi đạt hơn 95% quy mô xã, phường, thị trấn. Hiện nay, các loại vắc - xin để phòng chống các dịch bệnh đang được triển khai gồm: 10 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh cơ bản thường gặp, chủ yếu sử dụng cho đối tượng là trẻ em và phụ nữ có thai được triển khai thường xuyên, miễn phí và rộng khắp tại tất cả các xã/phường/thị trấn trong toàn tỉnh. Ngoài ra, các vắc-xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng đang được cung cấp để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn có hơn 40 loại gồm: sởi/quai bị/rubella, cúm, thủy đậu, viêm não nhật bản, viêm não mô cầu, viêm phổi, tiêu chảy do virus, bệnh dại... Bên cạnh việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh, tôi đề nghị mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực như: Vệ sinh môi trường thường xuyên; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng; chủ động phun hóa chất diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi; khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, nhất là không tự ý điều trị tại nhà...

P.V: Xin cảm ơn ông!