Cho đến nay, thế giới đã chứng kiến rất nhiều thảm họa thiên tai, như mưa bão, lũ lụt, cháy rừng, động đất, núi lửa… gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việt Nam được đánh giá là quốc gia cũng chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Vậy, để tìm hiểu về tình hình thiên tai, nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai ở tỉnh ta, chúng tôi phỏng vấn ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
P.V: Xin ông cho biết tình hình thiên tai diễn ra trong những năm gần đây?
Ông Ngô Xuân Hải: Có thể nói, tình hình thiên tai trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp, ngày càng khốc liệt, dị thường, tính trái quy luật ngày càng gia tăng và ở mức độ, cường độ ngày càng lớn hơn, liên tục hơn, đặc biệt là những trận mưa lớn vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão rất mạnh vào khu vực ít khi xảy ra… Thông thường, trên Biển Đông chỉ có khoảng 10 - 11 cơn bão hoạt động mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2017, lần đầu tiên ghi nhận vùng biển này có 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Năm 2017, bão lũ không chỉ đổ vào miền trung, vùng Bắc Trung Bộ, mà đã lan xuống Nam Trung Bộ, ngược lên các tỉnh miền núi phía bắc và để lại những dư chấn nặng nề. Cứ mỗi trận bão lũ qua đi, nhìn lại con số người chết và những thiệt hại về kinh tế không khỏi giật mình ám ảnh.
P.V: Vậy, với Thái Nguyên thì tình hình thiên tai diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Cùng chung đặc điểm với các tỉnh miền núi phía Bắc, Thái Nguyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai như: nắng nóng, rét hại, rét đậm, mưa dông, lốc xoáy, sạt lở đất, bão lũ, sét đánh…
P.V: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thiệt hại do thiên tai gây ra?
Ông Ngô Xuân Hải: Trong 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông năm 2017, thì Thái Nguyên chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đều gây mưa lớn trên diện rộng. Theo đó, trên sông Cầu xuất hiện 15 trận lũ; toàn tỉnh có 11 người chết (7 người do lũ cuốn trôi, 4 người do sét đánh); trên 900 ngôi nhà bị tốc mái, trên 600 ngôi nhà bị sập… Ngoài ra, còn nhiều công trình về công, nông, lâm nghiệp; giáo dục, văn hóa; giao thông, thủy lợi; thông tin liên lạc bị hư hỏng nặng nề. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017 trên 160 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh của người dân và tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngay đầu mùa mưa bão năm nay, vào ngày 14-5, trên địa bàn huyện Võ Nhai xuất hiện dông lốc kèm mưa to đã làm trên 100 ngôi nhà bị hư hỏng; tại huyện Định Hóa có một người bị thiệt mạng do đi xe máy đâm phải cột điện treo băng rôn bị gió lốc làm đổ…
P.V: Như vậy, thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại đó có cả khách quan và chủ quan. Chúng tôi muốn hỏi ông, công tác phòng, chống thiên tai ở tỉnh ta trong thời gian qua còn những tồn tại gì cần khắc phục, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Bên cạnh sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương thì công tác phòng, chống thiên tai ở tỉnh ta còn một số tồn tại, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trang bị cho các lực lượng còn thiếu về số lượng; nhiều vật tư, phương tiện đã hư hỏng, xuống cấp chưa được thay thế; một số địa phương và người dân còn có biểu hiện chủ quan trong phòng ngừa, thực hiện chưa hiệu quả các chỉ thị, công điện, văn bản yêu cầu của cấp trên dẫn đến nhiều trường hợp người chết do bị lũ cốn trôi khi qua cầu tràn trên sông, suối; công tác huấn luyện nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng tại cơ sở chưa đạt hiệu quả cao; ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan, khi có thiên tai xảy ra thì lúng túng, bị động…
P.V: Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai năm 2018 được nhận định như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương thì tình hình thiên tai vẫn còn diễn biến phức tạp; bão và áp thấp nhiệt đới sẽ đến sớm trên khu vực biển Đông. Trong tháng 4 và tháng 5 là những tháng chuyển mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi cả nước, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Bên cạnh đó, những hiện tượng thời tiết nắng nóng, giông lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở nhiều khả năng xảy ra...
P.V: Ngày 22-5 được lấy là Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam, với trách nhiệm là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, ông có yêu cầu và đề xuất những gì để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Như tôi đã nói ở trên, tình hình thiên tai trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, bất thường, vì vậy, tất cả chúng ta không được chủ quan. Để ứng phó với thiên tai, có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt cần tổ chức rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua để có bài học cho thời gian tới; xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhân dân; xây dựng kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai, như lũ, ngập lụt, sạt lở đất, bão; kiểm tra các hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, giao thông phát hiện những hư hỏng, có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời, đặc biệt là đối với nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất tại địa bàn Định Hóa và Đại Từ. Tôi đề xuất cần bố trí lắp đặt các thiết bị dự báo và cảnh báo thiên tai tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất (Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ…). Đối với cấp huyện, xã cần có cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời có chế độ thông tin, thống kê, báo cáo kịp thời khi có sự cố thiên tai gây ra…
P.V: Xin cảm ơn ông!