Bảo hiểm y tế là “cứu cánh” cho người nhiễm HIV/AIDS

09:16, 23/07/2018

Từ năm 2019, thuốc kháng vi rút (ARV) và các loại xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ không còn được cấp phát miễn phí, đồng nghĩa với việc người bệnh phải tự chi trả các loại chi phí điều trị. Lúc này, việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đầy đủ sẽ là “cứu cánh” thực sự cho người bệnh. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn bà Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế).  

P.V: Trước hết, xin bà cho biết việc điều trị bằng thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Bà Lê Ái Kim Anh: Trong những năm gần đây, Thái Nguyên luôn là một trong những tỉnh thuộc nhóm đầu của cả nước về số người nhiễm HIV/AIDS. Tính đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có hơn 6.300 người bị nhiễm còn sống, trong đó khoảng 4.900 người đang thường trú tại địa phương. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 3.682 bệnh nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú, Trại giam Phú Sơn 4 và Cơ sở tư vấn điều trị cai nghiện ma túy của tỉnh. Riêng tại 10 phòng khám ngoại trú ở các huyện, thành phố, thị xã và Bệnh viện A Thái Nguyên, có 3.246 bệnh nhân HIV/AIDS đăng ký điều trị, tỷ lệ có thẻ BHYT chiếm khoảng 93,5%. Những bệnh nhân này được hưởng tất cả các chế độ khám, chữa bệnh bằng BHYT theo quy định hiện hành.

P.V: Theo như bà vừa nói thì hiện nay toàn tỉnh còn tới hơn 1.000 người nhiễm HIV/AIDS sinh sống tại địa phương nhưng không đăng ký khám chữa bệnh tại các phòng khám ngoại trú. Tỷ lệ có thẻ BHYT của nhóm này như thế nào?

Bà Lê Ái Kim Anh: Thực tế con số này chưa hẳn tuyệt đối, bởi số người nhiễm HIV/AIDS luôn biến động. Thống kê hơn 1.000 người nhiễm HIV/AIDS nói trên là đang sống tại cộng đồng và không đăng ký khám chữa bệnh tại các phòng khám ngoại trú. Do vậy, cơ quan chuyên môn chưa thống kê được cụ thể tỷ lệ có thẻ BHYT ở nhóm này là bao nhiêu. Tới đây, chúng tôi sẽ có một cuộc rà soát tổng thể để đánh giá sát thực nhất số lượng người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, tỷ lệ có thẻ BHYT để từ đó có những giải pháp cụ thể.

P.V: Theo chia sẻ của nhiều người nhiễm HIV/AIDS, hiện nay họ còn rất ngần ngại tiếp cận các dịch vụ thông qua BHYT vì phần lớn sợ lộ danh tính, đây có phải là một trong những khó khăn trong điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh không, thưa bà?

Bà Lê Ái Kim Anh: Thời gian qua, vấn đề phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS tuy đã giảm rất nhiều nhưng thực tế vẫn tồn tại. Bản thân người bệnh cũng có tâm lý tự kỳ thị, e ngại khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều lý do khác như: Bản thân đã biết nhiễm bệnh nhưng vẫn khỏe mạnh nên chưa có nhu cầu, bận đi làm ăn xa, điều kiện kinh tế khó khăn… Các giải pháp về truyền thông tích cực sẽ từng bước khắc phục tình trạng này. Riêng về các dịch vụ y tế đều luôn tạo điều kiện tối đa cho người bệnh điều trị.

P.V: Theo lộ trình, việc chi trả thuốc kháng vi-rút (ARV) và các loại xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua BHYT tại tỉnh ta sẽ được thực hiện như thế nào thưa bà?

Bà Lê Ái Kim Anh: Thực tế hiện nay, tất cả các phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh đều đã ký hợp đồng với BHYT tỉnh. Do vậy, các dịch vụ từ khám bệnh, xét nghiệm cơ bản và điều trị trong danh mục của BHYT đều được thanh toán. Trong năm 2018 này, tỉnh ta sẽ lựa chọn T.P Thái Nguyên là địa phương thực hiện thí điểm thanh toán tất cả các dịch vụ, bao gồm cả chi trả thuốc kháng vi-rút (ARV) đối với người HIV/AIDS thông qua BHYT. Từ mô hình điểm này sẽ đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong công tác phối hợp giữa ngành Y tế và BHXH để rút ra bài học kinh nghiệm khi triển khai ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh.

P.V: Theo đánh giá của bà thì việc thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT trong thời gian tới liệu có khả thi?

Bà Lê Ái Kim Anh: Theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, thuốc kháng vi-rút HIV/AIDS sẽ thanh toán từ Quỹ BHYT đối với đối tượng có thẻ BHYT. Do vậy, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện quyết liệt theo mục tiêu đó. Nhất là tăng cường công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu nói trên cần có sự hiểu biết và tham gia tích cực của bản thân người nhiễm HIV/AIDS. Bởi bên cạnh một số nhóm đối tượng được hỗ trợ hoặc cấp miễn phí thì còn khá nhiều người phải chủ động mua thẻ BHYT. Người bệnh nên hiểu rằng, mua BHYT có ý nghĩa nhân văn và phục vụ chính cho quyền lợi của mình.

P.V: Xin cảm ơn bà!