Phú Bình: Cần cơ chế linh hoạt trong việc cấp phép khai thác tài nguyên đất

17:14, 12/08/2018

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng khai thác đất đồi trái phép trên địa bàn huyện Phú Bình để cung cấp cho các dự án và phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý song vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình. Ông cho biết:  Cùng với biện pháp siết chặt quản lý còn cần có cơ chế linh hoạt trong việc cấp phép khai thác tài nguyên đất trên địa bàn...

P/V: Ông có ý kiến gì trước phản ánh của báo chí và dư luận những ngày qua liên quan đến tình trạng khai thác trái phép tài nguyên đất trên địa bàn huyện?

Ông Hoàng Thanh Giao: Việc các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép đất diễn ra trên địa bàn huyện như phản ánh của báo chí và dư luận mấy ngày qua là có thực. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý, trong đó tăng cường công tác kiểm tra và xử lý hành chính nhiều trường hợp, song đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

P/V: Vậy, phải chăng đây là một trong những vấn đề khó đối với địa phương, thưa ông?

Ông Hoàng Thanh Giao: Đây đúng là vấn đề khó không chỉ đối với Phú Bình mà cả với một số địa phương khác trong tỉnh. Trước tiên, nhu cầu của người dân trong huyện về sử dụng đất nền, san gạt làm nhà và canh tác là rất lớn, thường xuyên, liên tục. Ước tính có tới 90% số hộ xây dựng công trình nhà ở mới trên địa bàn đều cần sử dụng đất nền. Mặt khác, các dự án đầu tư vào huyện thời gian gần đây tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng đất san nền cao. Trong khi đó, toàn huyện có tới cả nghìn quả đồi đất thấp, nhỏ, dễ khai thác. Mỗi năm có hàng chục trường hợp người dân xin san gạt, hạ thấp đồi đất để thuận tiện cải tạo, canh tác. Điều đáng nói là, đến nay vẫn chưa có bất cứ mỏ đất nào trên địa bàn huyện được cấp phép khai thác. Nhận thấy nhu cầu của người dân cao, các chủ phương tiện đã lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ để vụng trộm khai thác và vận chuyển đất san lấp đi tiêu thụ. Lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của huyện và các xã hiện nay khá mỏng, theo thẩm quyền chỉ xử phạt vi phạm hành chính, nên không đủ sức răn đe.

P/V: Việc xử phạt vi phạm chỉ mang tính tạm thời, để giải quyết tận gốc vấn đề cần cấp phép khai thác theo quy định. Vậy, tại sao trên địa bàn huyện vẫn chưa có mỏ đất nào được cấp để đảm bảo tính hợp pháp và thuận cho việc quản lý?

Ông Hoàng Thanh Giao: Cả tỉnh hiện nay mới có 1 điểm mỏ đất thông thường phục vụ san lấp mặt bằng được cấp ở T.X Phổ Yên, còn lại chưa địa phương nào có. Phú Bình cũng đã được quy hoạch 25 điểm mỏ đất, trong đó có 6 điểm mỏ đã có chủ trương cho phép đấu giá và tiến hành các thủ tục khai thác. Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào mặn mà tham gia. Lý do là bởi hầu hết các mỏ đất ở Phú Bình có diện tích nhỏ, trữ lượng ít, trong khi thủ tục thực hiện các bước để được cấp phép khai thác còn rườm rà, mất nhiều thời gian, giá trị tài nguyên đất lại không lớn.

P/V: Ông có nói đến thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất rườm rà. Vậy, cụ thể là thế nào?

Ông Hoàng Thanh Giao: Trước đây, thời gian để cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp thông thường phải mất tới 18 tháng. Gần đây, theo yêu cầu của UBND tỉnh về việc rút ngắn thời gian cấp phép nhằm phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn, các sở ngành đã họp bàn và đi đến thống nhất: Thời gian để được cấp phép khai thác mỏ đất đối với khu vực đấu giá tối thiểu là 254 ngày, tối đa là 786 ngày; khu vực đấu giá thời gian tối thiểu là 309 ngày và tối đa là 879 ngày. Mặc dù đã rút ngắn, nhưng với thời gian như vậy vẫn không hấp dẫn đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp phép.

P/V: Được biết, giáp ranh với Phú Bình là huyện Yên Thế, Hiệp Hòa (Bắc Giang), nhu cầu sử dụng đất san lấp cũng tương tự, nhưng dường như việc quản lý của họ lại không mấy khó khăn. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Hoàng Thanh Giao: Chúng tôi cũng đã đi tham khảo ở một số huyện của tỉnh bạn và nhận thấy, họ khá linh hoạt trong hoạt động cấp phép khai thác mỏ đất thông thường. Ở Bắc Giang, chính quyền ít cấp phép dài hạn đối với mỗi mỏ đất nhỏ lẻ mà thường cấp ngắn hạn theo nhu cầu thực tế. Khi một tổ chức, cá nhân xin cấp phép mỏ đất để san lấp công trình, dự án sẽ phải tính toán và đăng ký khối lượng cụ thể. Dựa trên nhu cầu thực tế, tỉnh sẽ cấp mỏ đất để tổ chức, cá nhân đó khai thác khi nào đủ số lượng theo đăng ký sẽ bàn giao lại mỏ để chính quyền tiếp tục cấp cho đối tượng khác có nhu cầu. Trong quá trình khai thác, người được cấp phép sẽ chủ động đăng ký phương tiện, thời gian vận chuyển, cơ quan chức năng của địa phương sẽ giám sát chặt chẽ, không để thất thoát ra bên ngoài. Do đó, thời gian cấp phép khai thác mỏ đất san lấp thông thường ở Bắc Giang chỉ khoảng 23 ngày. Đối với việc cấp phép cho các hộ dân để san gạt, hạ cốt nền tại chỗ phục vụ canh tác, thời gian chỉ khoảng 10 ngày.

P/V: Vậy, ông có đề xuất, kiến nghị gì liên quan đến vấn đề này?

Ông Hoàng Thanh Giao: Để giúp huyện Phú Bình nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung đảm bảo công tác quản lý tài nguyên đất, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành liên quan xem xét ban hành các quy định, hướng dẫn đơn giản về thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất thông thường trên cơ sở đảm bảo đúng quy định. Cụ thể, đối với huyện Phú Bình và một số địa phương tương tự, do chủ yếu là các điểm đồi đất nhỏ lẻ, trữ lượng ít, nên cần cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở rút ngắn tối đa thời gian cấp phép khai thác. Như vậy sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ nhu cầu xây dựng ở địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

P/V: Xin cảm ơn ông!