Đó là khẳng định của ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khi trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về nội dung liên quan đến luồng dư luận gần đây cho rằng có tình trạng phá rừng đặc dụng trên địa bàn để làm đường và khai thác khoáng sản.
P.V: Gần đây có thông tin cho rằng việc làm tuyến đường bê tông nông thôn mới vào xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai) đã xâm hại rừng đặc dụng và nhằm phục vụ cho một doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản tại đây. Vậy, bản chất vấn đề là gì, thưa ông?
Ông Dương Văn Tiến: Tuyến đường bê tông nông thôn mới từ ngã ba xóm Ngọc Sơn II đi Bản Ná, xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa được UBND huyện Võ Nhai phê duyệt từ năm 2012. Việc làm tuyến đường này nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng, cấp bách của 97 hộ dân với gần 400 nhân khẩu tại xóm Xuyên Sơn, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và điều kiện giao thông vốn rất khó khăn. Thực tế thì tuyến đường được làm trên nền cũ là đường mòn, dọc tuyến không có cây gỗ rừng lớn mà chỉ có cây bụi và cây keo do người dân trồng.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014 thì một phần tuyến đường nằm trong đất rừng đặc dụng. Trong khi trước đó, diện tích này là rừng sản xuất thuộc sở hữu của 5 hộ dân, các hộ có hồ sơ giao đất, giao rừng từ năm 1998, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000. Khi có chủ trương làm đường, các hộ đều đồng thuận cao và tự nguyện hiến đất. Điều này đồng nghĩa, diện tích rừng đặc dụng theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2014 đã trùm lên một phần tuyến đường được huyện phê duyệt quy hoạch từ năm 2012 theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, diện tích rừng đặc dụng theo quy hoạch này cũng bao trùm lên đất sản xuất, đất tâm linh và đất ở của nhiều hộ dân (đây cũng là thực trạng chung của một số địa phương do “sai số” quy hoạch). Sự bất cập trong quy hoạch như vậy đã gây khó khăn cho phát triển sản xuất, sinh sống của người dân địa phương. Do đó, năm 2017, các cấp, ngành liên quan đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại khu vực này cho phù hợp với thực tế. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát tổng thể để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch đất rừng trong năm nay.
Vì vậy, không có việc mượn danh xây dựng nông thôn mới để phá rừng hay phục vụ mục đích cho doanh nghiệp nào tại đây.
P.V: Cũng liên quan đến vấn đề này, ông có ý kiến như thế nào trước thông tin về việc Công ty cổ phần (CP) Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long tiến hành khai thác cả diện tích ngoài phạm vi được cấp phép, xâm hại rừng đặc dụng?
Ông Dương Văn Tiến: Kết quả kiểm tra mới đây do Đoàn kiểm tra của tỉnh tiến hành cho thấy, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (viết tắt là Công ty) thực hiện khai thác trong phạm vi được cấp phép và cho thuê đất. Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ vàng sa khoáng Bản Ná năm 2008 có diện tích 32,6ha và được thuê 30,55ha (tức là được cấp phép trước quy hoạch 3 loại rừng 6 năm). Việc cấp phép cho Công ty khai thác vàng sa khoáng tại Bản Ná được tiến hành đúng các quy định của pháp luật, được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương thẩm định kỹ càng. Khu vực đổ thải của Công ty cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương năm 2011, có diện tích khoảng 10ha.
Trước khi cấp phép khai thác cho Công ty, khu vực Bản Ná là điểm nóng vì nạn khai thác vàng trái phép gây mất an ninh trật tư, có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và thất thu ngân sách Nhà nước. Từ khi Công ty đầu tư khai thác, tình trạng này đã chấm dứt, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương được đảm bảo. Trong quá trình khai thác, Công ty chấp hành tốt các quy định về khai thác khoáng sản, đồng thời tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.
Tuy vậy, ở đây cũng đang tồn tại bất cập là một phần trong diện tích đã cấp phép khai thác cho Công ty lại được đưa vào đất rừng đặc dụng theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2014. Như tôi đã nói ở trên, bất cập này đã được rà soát và đề nghị điều chỉnh quy hoạch trong năm nay.
P.V: Có ý kiến cho rằng Công ty đã tự ý xây dựng đình Bản Ná trong đất rừng đặc dụng. Thực tế có đúng như vậy không, thưa ông?
Ông Dương Văn Tiến: Khu vực đình Bản Ná có diện tích khoảng 0,12ha, đình đã có từ lâu đời và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong vùng. Trải qua thời gian dài, ngôi đình bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Từ nguyện vọng của người dân và đề nghị của chính quyền địa phương, Công ty đã báo cáo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và được đồng ý cho phép đầu tư trùng tu, nâng cấp đình. Do đó, không thể nói Công ty tự ý xây dựng đình Bản Ná trong đất rừng đặc dụng.
P.V: Những vấn đề liên quan đến khu vực Bản Ná đã gây sự chú ý của dư luận thời gian gần đây, ông hãy cho biết huyện đã và sẽ giải quyết như thế nào?
Ông Dương Văn Tiến: Tôi nghĩ vấn đề nào cũng cần phải được thông tin khách quan, trung thực, kịp thời để tránh những ý kiến trái chiều và hiểu sai bản chất. Ở sự việc này, ngay khi có phản ánh của báo chí, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh từng nội dung. Trên cơ sở kết quả xác minh, chúng tôi đã và sẽ cung cấp những thông tin khách quan, kịp thời đến các cơ quan báo chí để định hướng dư luận.
Những bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng tại đây cũng đã được huyện phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh cho phù hợp.
P.V: Xin cảm ơn ông!