Những năm gần đây, Thái Nguyên là một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 738 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 134.561 tỷ đồng; 143 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký hơn 8 tỷ USD. Trả lời phỏng vấn của Báo Thái Nguyên, ông PHẠM DUY HÙNG, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây tiền đề quan trọng, để tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, tạo bước phát triển bứt phá hơn nữa trong thời gian tới.
P.V: Trong những kết quả Thái Nguyên đạt được về thu hút đầu tư, theo ông chỉ số nào thực sự nổi bật?
Ông Phạm Duy Hùng: Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh là cởi mở, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thái Nguyên được xem là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên địa bàn nhiều hơn qua từng năm. Bình quân mỗi năm, tỉnh cấp giấy chứng nhận thành lập mới cho trên 600 DN, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn là gần 7.000; có gần 900 dự án trong nước và vốn FDI đang được triển khai. Đặc biệt, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, Thái Nguyên đã thu hút được 61 dự án, trong đó 55 dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư đăng ký là 100.000 tỷ đồng.
P.V: Đâu là giải pháp mang tính đột phá để đạt được kết quả nói trên, thưa ông?
Ông Phạm Duy Hùng: Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản như: Đề án cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; kế hoạch hỗ trợ và phát triển DN... Đồng thời, tỉnh cũng đã ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN trên địa bàn tỉnh.
Để cụ thể các đề án, kế hoạch nói trên thì cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá mà tỉnh ta đã thực hiện đạt hiệu quả. Chủ trương là tập trung rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy trình cấp phép đăng ký kinh doanh, thành lập DN và cấp chủ trương đầu tư các dự án; đơn giản hóa thủ tục pháp lý để DN tiếp cận và triển khai, đưa các dự án vào hoạt động một cách nhanh nhất. Tỉnh cũng tổ chức đối thoại ít nhất mỗi năm hai lần; cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thường xuyên gặp mặt, động viên DN. Đó là kênh thông tin hết sức quan trọng để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, rất nhiều nội dung DN thắc mắc, kiến nghị đã được giải quyết thông qua các cuộc đối thoại như vậy.
P.V: Theo khảo sát cho thấy, còn một số DN vẫn gặp khó khăn khi giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Duy Hùng: Kiến nghị của DN liên quan đến giải phóng mặt bằng hoàn toàn đúng. Thực tế đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều thủ tục và quyền lợi của nhiều người. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng và đạt được những kết quả tích cực. Nhất là sự thay đổi lớn về xây dựng kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất để bồi thường làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho nhân dân vừa đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp còn vướng mắc về đất đai, thủ tục pháp lý hay người dân, tổ chức chưa tích cực hoặc cản trở quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Với những trường hợp như vậy, tỉnh đẩy mạnh vận động, tuyên truyền và có biện pháp mạnh hơn là cưỡng chế để giải phóng mặt bằng cho dự án.
P.V: Bên cạnh vấn đề mặt bằng, theo ông còn những khó khăn, hạn chế nào trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh?
Ông Phạm Duy Hùng: Có thể kể thêm những khó khăn, hạn chế nữa là: Một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư còn thiếu tính thống nhất, gây khó khăn khi triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan về giải quyết thủ tục hành chính cho DN, nhà đầu tư còn chưa linh hoạt và chặt chẽ. Năng lực tài chính, kinh nghiệm của một số nhà đầu tư hạn chế. Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa tương xứng, nhất là các khu, cụm đã có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng chưa chủ động hoặc tốc độ triển khai chậm.
P.V: Vậy những giải pháp nào sẽ được tỉnh tập trung triển khai để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thưa ông?
Ông Phạm Duy Hùng: Về phương hướng thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ 8 giải pháp đã đề ra trong Đề án cải thiện môi trường đầu tư và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của cấp ủy Đảng, chính quyền trong cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, cải cách thủ tục xét duyệt để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án đầu tư, bảo đảm cho nguồn lực quan trọng này nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Thái Nguyên cũng tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính đồng bộ ở các ngành, các cấp; tăng cường hiệu quả hoạt động một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ DN, tuyên truyền quảng bá xúc tiến đầu tư. Nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức để lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
P.V: Xin cảm ơn ông!