Thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang đến cho các quốc gia một cơ hội phát triển mới, trong đó chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp (DN)... Với quyết tâm cao, tỉnh Thái Nguyên đang tiến hành các bước CĐS để đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT).
P.V: Để tiến hành CĐS, tỉnh Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị như thế nào về hạ tầng số và công nghệ thông tin (CNTT), thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Hiện nay, hạ tầng số và CNTT của tỉnh đã sẵn sàng đáp ứng cho công tác CĐS, cụ thể như: Tỉnh đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông - CNTT hiện đại, đồng bộ với mạng cáp quang từ tỉnh đến cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn; mạng di động 3G, 4G sẵn sàng cho 5G; Trung tâm tích hợp dữ liệu; công tác bảo đảm an toàn thông tin; xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), kết nối liên thông với nền tảng quốc gia NGSP…
Về môi trường pháp lý, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch phát triển CNTT, chính quyền điện tự (CQĐT), hướng đến chính quyền số, như: Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 18/5/2017 của HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch ứng dụng CNTT và điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai CQĐT do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo; ban hành kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0; kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.
Cùng với đó, tỉnh đang tăng cường triển khai các ứng dụng dùng chung trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và DN, như: Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thực hiện tích hợp, kết nối chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có cổng/trang thông tin điện tử. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh được triển khai từ năm 2011, đến nay đã triển khai đến 100% các đơn vị trên địa bàn tỉnh theo mô hình 4 cấp (từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã). Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn kết nối 54 đơn vị bằng hệ thống cáp quang, đã triển khai và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ điện tử, kết nối liên thông với hệ thống của quốc gia. Năm 2020, tỉnh đã triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tại T.P Sông Công…
P.V: Theo lộ trình, việc CĐS sẽ được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Trước tiên, các cơ quan liên quan sẽ tiến hành các bước tham mưu để Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh, triển khai công tác CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện. Cùng với đó là triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh. Nâng cao năng lực cán bộ CCVC đáp ứng yêu cầu cách mạng CN 4.0. Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân, DN đồng hành cùng chính quyền thực hiện cải cách hành chính. Hiện nay, 02 Xã (La Bằng, Sảng Mộc) đang tiến hành triển khai thí điểm CĐS, việc số hóa cơ sở dữ liệu cũng đang được tiến hành ở ATK huyện Định hóa, từ đó làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh trong thời gian tới.
P.V: Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Đỗ Xuân Hòa: Hiện nay, nhận thức, sự quyết tâm vào cuộc của người đứng đầu về CQĐT, CĐS tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều. Kinh phí chi cho phát triển CQĐT, CĐS còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Hiện nay, tỉnh chưa ban hành kế hoạch CĐS để các sở, ngành, địa phương, các DN trên địa bàn tỉnh có căn cứ để triển khai thực hiện. Một số tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 4 còn hạn chế. Vẫn còn một số thôn xóm thuộc các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa chưa được phủ sóng điện thoại và internet. Cùng với đó, nguồn nhân lực CNTT, ứng dụng kỹ năng số trong thực thi công vụ còn hạn chế nhất là cán bộ ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa.
P.V: Về những giải pháp của ngành TT-TT để có thể tiến hành CĐS thành công trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Hòa: CĐS trước tiên là chuyển đổi nhận thức, do vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và DN về CĐS và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại, thực thi công vụ. Cần hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình CĐS của tỉnh trên cơ sở chiến lược CĐS quốc gia dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thực hiện CĐS. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CĐS của địa phương. Ưu tiên các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, quan tâm vùng sâu, vùng xa. Tập trung, ưu tiên một số lĩnh vực CĐS như: Y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải… Đặc biệt ưu tiên phát triển đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ CĐS cho các DN; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ CQĐT sang chính quyền số…