Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và khẳng định vị trí là “đầu tầu” tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Bá Chính, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng lĩnh vực công nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng, tuy nhiên để đảm bảo sự bền vững và cơ cấu nội ngành phù hợp thì cần có định hướng, cơ chế, chính sách cụ thể, sát thực trong giai đoạn mới. Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 do Sở chủ trì tham mưu xây dựng đã bám sát yêu cầu này.
P.V: Lĩnh vực công nghiệp của Thái Nguyên những năm gần đây có nhiều đột phá, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ông Nguyễn Bá Chính: Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh bắt đầu giai đoạn phát triển đột phá khi Tập đoàn Samsung xây dựng cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của họ tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình vào năm 2013. Cũng từ đó, hàng trăm doanh nghiệp FDI cũng “theo chân” Samsung đầu tư vào tỉnh (hiện có khoảng 150 dự án). Giá trị và quy mô sản xuất công nghiệp của tỉnh vì thế có sự tăng trưởng vượt bậc, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt gần 16%/năm. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 783.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015.
Cùng với sự phát triển mạnh của công nghiệp, giá trị xuất khẩu của tỉnh cũng tăng rất nhanh (năm 2020 đạt gần 27 tỷ USD). Cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu nội ngành Công nghiệp có sự chuyển dịch mạnh, từ chỗ nhóm ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn thì đến nay tỷ trọng nhóm ngành chế biến, chế tạo chiếm tới trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành.
P.V: Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Chính: Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh những năm gần đây luôn đạt cao nhưng chỉ tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 92,8%). Các doanh nghiệp nội địa phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn đầu tư nên khả năng cạnh tranh còn yếu. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển, đặc biệt là công nghiệp chế biến, hầu như chưa có cơ sở sản xuất bằng nguyên liệu sẵn có trên địa bàn. Các lĩnh vực truyền thống của tỉnh như: luyện kim, khai khoáng, xi măng đã phát triển gần như tới ngưỡng và khó có thể tiếp tục tăng trưởng. Việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, nhất là đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn.
PV: Được biết, mới đây Sở Công Thương đã chủ trì tham mưu xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025. Xin ông cho biết những định hướng, mục tiêu lớn được nêu trong Chương trình?
Ông Nguyễn Bá Chính: Trước hết cần phải khẳng định, việc tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là rất quan trọng, cần thiết, nhằm xác định quan điểm, định hướng lớn và các giải pháp trọng tâm cho sự phát triển của ngành ở giai đoạn mới, trong bối cảnh và yêu cầu mới. Chương trình được xây dựng ngay từ đầu nhiệm kỳ, sớm hơn nhiều so với giai đoạn trước nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Trong 5 năm tới, tỉnh đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 8%/năm trở lên, công nghiệp là động lực chính và là “đầu tầu” cần tăng giá trị sản xuất bình quân từ 9%/năm trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, Chương trình đã nêu rõ quan điểm phát triển công nghiệp của tỉnh là theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường và năng suất lao động cao; phát huy tốt các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và những kinh nghiệm, thành tựu phát triển ở giai đoạn trước. Trọng điểm phát triển công nghiệp được xác định là khu vực phía Nam của tỉnh. Đó cũng là những điểm mới đáng kể trong quan điểm, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh.
P.V: Định hướng đã rõ ràng, đúng chủ trương và xu thế phát triển. Vậy những giải pháp chính là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Chính: Với mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp từ 9%/năm trở lên, tổng nguồn vốn dự kiến cần đầu tư cho công nghiệp trong 5 năm tới là khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách chỉ khoảng 600 tỷ đồng (chủ yếu hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến công, quy hoạch), còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Vì vậy, công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm đặc biệt, thông qua các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng… Cùng với đó, các giải pháp, chính sách khác cũng được quan tâm triển khai đồng bộ như: Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, chính sách về đất đai, đào tạo nhân lực, khuyến công, phát triển vùng nguyên liệu…
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!