Bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão

09:11, 10/05/2021

Liên tiếp những năm gần đây, huyện Đại Từ là địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Bước vào mùa mưa bão năm nay, địa phương này đã đề ra những giải pháp nào nhằm ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn cho nhân dân? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Đại Từ.

P.V: Trước hết, xin ông cho biết thiên tai đã gây thiệt hại như thế nào đối với huyện Đại Từ trong những năm gần đây? 

Ông Nguyễn Nam Tiến: Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 17 đợt thiên tai, gồm: Mưa bão, giông lốc, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá… khiến 1 người chết; 1 người bị thương; trên 270ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại; 3.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; 66 công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, nhà văn hoá… bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại trên 17,7 tỷ đồng. 

P.V: Nguyên nhân vì sao thiên tai lại gây thiệt hại nặng nề đối với huyện Đại Từ như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Nam Tiến: Nguyên nhân trước hết do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan hơn. Trong khi đó, một phần của huyện Đại Từ lại nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, hầu hết các xã, thị trấn có địa hình phức tạp với nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên các loại hình thiên tai như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… thường xảy ra. Những khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét nằm ở chân dãy núi Tam Đảo, núi Hồng, núi Chúa thuộc địa bàn các xã như: Quân Chu, Cát Nê, Văn Yên, Mỹ Yên, Hoàng Nông..; khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng là vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc và các xã, thị trấn có địa hình trũng thấp như: Tân Thái, Vạn Thọ, Bình Thuận, Lục Ba, An Khánh, thị trấn Hùng Sơn… 

Ngoài ra, Đại Từ cũng là địa phương có nhiều mỏ khai thác khoáng sản nhất tỉnh với 35 điểm mỏ đã được cấp phép khai thác, trong đó 12 điểm mỏ đang hoạt động. Vào mùa mưa bão, hoạt động khai thác tại các điểm mỏ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở.

P.V: Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, huyện có những giải pháp gì để chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân? 

Ông Nguyễn Nam Tiến: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp. Hiện nay, huyện đang khẩn trương tập trung tu bổ các công trình thuỷ lợi, hồ đập xung yếu; huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát lũ nội đồng… Đối với công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó đến từng thôn, xóm theo phương châm "4 tại chỗ" để cán bộ, nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh. 

Chúng tôi đã rà soát, phân loại và thống kê cụ thể số hộ, nhân khẩu sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để tiến hành di dời ngay khi có dự báo xảy ra mưa bão. Mới đây, huyện đã di dời khẩn cấp 12 hộ nằm trong vùng sạt lở tại xóm Chiểm và xóm Tân Tiến, xã Quân Chu đến nơi an toàn. Ngoài ra, đầu tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã phối hợp với Công ty CP Yên Phước hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng để di dời và tái định cư cho 4 hộ sinh sống gần khu vực bãi đổ thải của mỏ than Minh Tiến…

Để chủ động hơn trong thực công tác PCTT-TKCN, UBND huyện cũng đã yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, diễn biến khí tượng thủy văn để có phương án chủ động ứng phó; huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của nhân dân ngay sau khi thiên tai xảy ra.

P.V: Xin cảm ơn ông!