Nâng cao chất lượng cảnh báo thiên tai

08:19, 31/05/2021

Những năm gần đây, diễn biến khí tượng thủy văn (KTTV) trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu. Câu hỏi, làm thế nào để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai nhằm giúp các địa phương chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại luôn là trăn trở của những người làm công tác này. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Trần Quốc Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh.

P.V: Ông nhận định như thế nào về xu thế tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão năm nay?

Ông Trần Quốc Hưng: Theo dự báo, trong mùa mưa bão năm nay, hiện tượng Enso tiếp tục có xu hướng chuyển dần từ Lanina sang trạng thái trung tính. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (từ 12-14 cơn), trong đó, có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng tới tỉnh Thái Nguyên. Còn thời tiết nắng nóng có xu hướng tăng hơn trong tháng 7-8, tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm ngoái; lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm; lũ có khả năng có nhiều trận nhưng đỉnh lũ không cao. Trong mùa mưa, bà con nhân dân cần đề phòng giông sét, lốc, mưa đá, sạt lở đất ở các vùng đồi núi, lũ lên nhanh, bất ngờ, chảy xiết trên các sông suối nhỏ, đặc biệt trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 8.

P.V: Từ thực tế cho thấy công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giúp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn còn một số bản tin chưa sát với thực tế, vậy nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Ông Trần Quốc Hưng: Công tác dự báo KTTV năm 2020 được đánh giá như sau: Tin bão, áp thấp nhiệt đới đạt chất lượng 90% (vượt 20%); tin không khí lạnh đạt chất lượng 92% (vượt 12%); tin nắng nóng đạt chất lượng 80,6% (hụt 1,9%); cảnh báo mưa lớn diện rộng đạt chất lượng 73,2%; cảnh báo lũ, tin lũ đạt 90,8% (vượt 16,8 %).

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá, vẫn còn nhiều bản tin chưa sát với thực tế, đặc biệt là những bản tin cảnh báo mưa giông cục bộ, lũ quét, sạt lở. Những hiện tượng này thường xảy ra bất ngờ, trong thời gian ngắn, diện hẹp. Khi phát hiện ổ mây dông trên màn hình ra-đa thì hầu hết hiện tượng đã và đang xảy ra, dự báo viên sẽ căn cứ hiện tượng để đưa ra tình huống xấu nhất có thể xảy ra và cảnh báo cho nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu khả năng xấu nhất không xảy ra thì bản tin cảnh báo sai.

Mặt khác, đối với các dự báo viên cần liên tục quan sát rất nhiều số liệu thực tế, khi phát hiện hiện tượng bất thường về thời tiết phải thực hiện các phương pháp, đối chiếu mô hình của Việt Nam và quốc tế để viết bản tin cảnh báo. Nhưng do diễn biến bất thường của thời tiết cũng như các sai số của phương pháp, mô hình nên khó tránh khỏi một số bản tin không sát thực tế. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo, cảnh báo.

P.V: Vậy, để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo trong thời gian tới, Đài KTTV Thái Nguyên có giải pháp gì, thưa ông? 

Ông Trần Quốc Hưng: Để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, hằng năm, Đài đã cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ, hội thảo do Tổng cục KTTV tổ chức. Về phía Tổng cục KTTV cũng đã củng cố và lắp đặt thêm các trạm quan trắc KTTV, ra-đa thời tiết, tự động hóa dần khâu truyền phát dữ liệu để cập nhật kịp thời hơn tới các đài KTTV tỉnh. Từ đó, giảm thiểu các khâu trong quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm giảm tải cho dự báo viên trong điều kiện ít nhân lực.
Ngoài ra, Đài cũng yêu cầu dự báo viên tự giác tuân thủ quy trình, theo dõi chặt chẽ diễn biến các hệ thống thời tiết, kịp thời phát hiện những bất thường. Đồng thời, tăng cường thảo luận giữa các dự báo viên để dự báo, cảnh báo kịp thời, sát với thực tế hơn.

P.V: Xin cảm ơn ông!