Tiêm vắc-xin không có nghĩa là miễn dịch hoàn toàn

08:39, 24/05/2021

Cùng với cả nước, tỉnh đang triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Tuy vậy, không ít người hiểu chưa đúng về tiêm phòng, dẫn đến có tư tưởng chủ qong phòng, chống dịch. Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

PV: Xin ông cho biết những thông tin cơ bản về tiêm vắc-xin phòng COVID-19?

Ông Nguyễn Văn Trường: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vắc-xin phòng COVID-19 an toàn, tiêm vắc-xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người được tiêm vắc-xin sẽ loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ mắc COVID-19. Hiện tại, WHO đang cho phép các loại vắc-xin phòng COVID-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch.

Tức là sau khi tiêm vắc-xin, người tiêm vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, nhưng sẽ hạn chế được tỷ lệ người mắc bệnh nặng hoặc nhập viện nếu không may bị nhiễm. 

PV: Hiện nay, đang có nhiều nguồn thông tin khác nhau về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Vậy từ góc độ chuyên môn, ông phân tích như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Trường: Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của COVID-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng ba tháng sau tiêm. Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy, thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi 1 với hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. 

Về các phản ứng sau tiêm, tính đến hết ngày 5/5/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho 675.956 người. Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… và hầu hết các triệu chứng này hết sau 24 giờ. Tỷ lệ này thấp hơn so với nhiều nước khác, trong bối cảnh thế giới đã tiêm trên 250 triệu liều vắc-xin AstraZenaca, góp phần bảo vệ hàng triệu người khỏi mắc COVID-19 nặng hoặc tử vong.

Thực tế công tác tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới đã ghi nhận các trường hợp vẫn bị nhiễm vi-rút sau khi tiêm vắc-xin, nhất là khi mới chỉ tiêm một mũi. Do không có loại vắc-xin nào bảo đảm phòng nhiễm vi-rút 100% nên người được tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây cho những người khác. Chính vì vậy, người đã được tiêm phòng vắc-xin, kể cả 1 hay đủ 2 mũi, vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với dịch COVID-19 hiện nay, đó là quy định 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).

PV: Như vậy, kể cả sau khi tiêm phòng trên diện rộng, vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế?

Ông Nguyễn Văn Trường: Vâng, đúng vậy! Mục tiêu Quốc gia nêu rõ: Việc tiêm chủng phải đạt trên 70% dân số để có miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay số lượng người được tiêm chủng ở Việt Nam còn rất ít do chưa có đủ nguồn cung vắc-xin, chưa đạt miễn dịch. Vì vậy, mọi người vẫn cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch được Bộ Y tế khuyến cáo.

Theo WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, cho dù số người được tiêm phòng COVID-19 tăng lên, các quốc gia cũng không được lơ là, mất cảnh giác. Không quốc gia nào an toàn cho tới khi mọi quốc gia được an toàn. Cho tới khi phần lớn dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng thì mọi người vẫn phải áp dụng, hoặc sẵn sàng áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. 

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi vaccine đã được tiêm chủng đại trà thì chúng ta vẫn phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn sự lây truyền COVID-19. 

Xin cảm ơn ông!