Nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian qua, cơ quan đầu mối là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị trong công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đến NLĐ và người SDLĐ. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.
P.V: Trước hết, ông có thể cho biết chính sách hỗ trợ đợt này tập trung vào nội dung gì?
Ông Phạm Hoàng Hải: Đợt hỗ trợ này dành cho NLĐ và người SDLĐ. Nội dung hỗ trợ cụ thể là: Giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người SDLĐ; hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng; hỗ trợ người SDLĐ đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, mức hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mức hỗ trợ tối đa 3.710.000 đồng/người/lần.
NLĐ ngừng việc được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/lần; hỗ trợ 3.710.000 đồng/NLĐ do chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, riêng trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ.
Viên chức hoạt động nghệ thuật, NLĐ là hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ 3.710.000 đồng/người; hộ kinh doanh gặp khó khăn được hỗ trợ 3 triệu đồng; người SDLĐ được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng…
P.V: Vậy, kết quả hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Hoàng Hải: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 872 doanh nghiệp (DN), trên 7.800 NLĐ, 2.000 hộ kinh doanh và 8.500 lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ trên 22 tỷ đồng. Hiện Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ 1 DN đề nghị hỗ trợ cho 31 giáo viên mầm non, với số tiền hơn 131 triệu đồng.
BHXH tỉnh thông báo giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với gần 3.000 DN, với hơn 162.000 NLĐ, tổng số tiền được giảm mức đóng lũy kế tính đến tháng 8 là hơn 9,7 tỷ đồng; gần 100 NLĐ tại 5 DN được xác nhận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. 1 DN được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay vốn trả lương cho 260 lao động, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, hiện đã giải ngân trong tháng 7 được hơn 1 tỷ đồng.
P.V: Để đạt được kết quả này, Sở đã triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến các đối tượng hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Hoàng Hải: Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH và của UBND tỉnh, với tư cách là cơ quan đầu mối, Sở đã ban hành một số các văn bản yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị chức năng liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đồng thời chủ trì Hội nghị liên ngành, thống nhất nội dung nhiệm vụ, tránh bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ.
Quá trình triển khai, Sở phối hợp cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan chủ động trao đổi thông tin, hướng dẫn cho DN, NLĐ có nhu cầu hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, về trình tự, thủ tục hồ sơ. Từ ngày 1/7/2021, một số DN như: Công ty TNHH KSD VINA (là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong Khu công nghiệp Điềm Thụy) có trên 1.000 lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Công ty cổ phần Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên có gần 140 lao động, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải có trên 70 lao động được hưởng chính sách này… Có thể khẳng định, tỉnh ta đã thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
P.V: Xin cảm ơn ông!