Thời gian qua, một trong những yếu tố quan trọng giúp Thái Nguyên trở thành tỉnh phát triển mạnh là nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh có chủ trương, định hướng hoàn thiện mạng lưới giao thông như thế nào để tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT).
P.V: Ông đánh giá như thế nào về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Lê Văn Vịnh: Thái Nguyên có vị trí địa lý đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực Việt Bắc nói riêng và vùng trung du miền núi Đông Bắc nói chung. Xác định vị trí, vai trò trên, hạ tầng giao thông đã được tỉnh và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư.
Đến nay, tỉnh có gần 5.000km đường bộ, trong đó, chiều dài các tuyến Quốc lộ là trên 310km; gần 370km đường tỉnh; gần 160km đường đô thị và hơn 4.000km đường huyện, đường liên xã. Trên 95% tổng chiều dài các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5-5,5m; 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường đến trung tâm được bê tông và cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Qua đó, có thể khẳng định, hạ tầng giao thông trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư thì cần phải phải tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
P.V: Vậy, ông có thể cho biết về định hướng phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
Ông Lê Văn Vịnh: Với nhiệm vụ mang tính chiến lược là “Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội”, trong giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2030, ngành GT-VT tham mưu cho tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng trục ngang tỉnh (các tuyến đường giao cắt với Quốc lộ 3 cũ và Quốc lộ 3 mới) và các dự án giao thông mang tính liên kết vùng.
Từ đó, thúc đẩy hơn nữa việc thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh. Với các mục tiêu đó, giai đoạn 2021-2026, ngành GT-VT tham mưu với UBND tỉnh dự kiến triển khai 12 dự án giao thông, với tổng mức đầu tư khoảng 8.371 tỷ đồng...
P.V: Việc đầu tư triển khai các dự án nêu trên có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?
Ông Lê Văn Vịnh: Trong số 12 dự án trên có Dự án xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc. Đồng thời, sẽ kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, kết nối sang Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Qua đó, không chỉ là tuyến đường “động lực” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh mà còn tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng khu vực sườn Đông Tam Đảo, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Các dự án còn lại, như: Đường vành đai V đoạn Phú Bình - Bắc Giang; mở rộng đường gom từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình; đường kết nối Quốc lộ 37, vành đai V; giai đoạn II đường nối Quốc lộ 3 mới đến Khu công nghiệp Yên Bình sẽ làm “động lực” giúp liên kết khu vực công nghiệp, nông nghiệp trọng điểm phía Nam tỉnh với các chuỗi nhà máy, khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận (Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc), tạo “đòn bẩy” phát triển công nghiệp, dịch vụ các địa phương phía Nam. Còn đối với khu vực phía Bắc, tỉnh đang nghiên cứu đầu tư đường Vành đai I của tỉnh để nối 2 huyện Phú Lương - Đồng Hỷ; xây dựng tuyến đường nối đường tỉnh 265 Thái Nguyên đi Bắc Giang… để tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương phía Bắc tỉnh.
Xin cảm ơn ông!