Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp, nhất là mặt hàng phân bón. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Tá: Toàn tỉnh hiện có trên 700 cơ sở kinh doanh các lại phân bón vô cơ, phân hữu cơ, phân bố ở 9/9 huyện, thành, thị. Trong đó, hầu hết các cơ sở thực hiện khá tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh các mặt hàng này, như: Người trực tiếp bán hàng có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón; có địa điểm kinh doanh đủ điều kiện; thực hiện niêm yết giá công khai; có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh theo mùa vụ chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước.
P.V: Vậy khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng phân bón là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tá: Thực tế cho thấy, việc quản lý kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Tại các vùng sâu, vùng xa, một số ít kinh doanh tự phát theo thời vụ nên rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, một số xã, phường, thị trấn chưa vào cuộc, chưa thường xuyên quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn quản lý hay còn có tâm lý cho rằng đó là nhiệm vụ của các ngành chức năng.
P.V: Trước những khó khăn đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đã triển khai những giải pháp nào?
Ông Nguyễn Tá: Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và lựa chọn một trong số các mẫu phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng để gửi đi phân tích, kiểm nghiệm tại các cơ quan chuyên ngành của Trung ương để giám sát về chất lượng.
Song song với đó, Chi cục phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở buôn bán phân bón, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Không có chứng nhận chuyên môn về phân bón; địa điểm không đủ điều kiện kinh doanh; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, nhãn hàng hóa; việc thực hiện các quy định về chất lượng hàng hóa, chứng nhận, công bố hợp quy…
Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, thường xuyên tự kiểm tra chất lượng, kịp thời loại bỏ, tiêu hủy những vật tư đã hết hạn sử dụng. Đồng thời, đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng đủ về số lượng, chủng loại phong phú và đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân theo mùa vụ.
P.V: Từ năm 2021 đến nay, giá phân bón liên tục “leo thang” khiến chi phí sản xuất nông nghiệp bị “đội” lên. Vậy, ông có khuyến cáo gì đối với bà con để hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi của việc tăng giá phân bón?
Ông Nguyễn Tá: Thực tế, giá phân bón tăng là do tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng chứ trên địa bàn tỉnh không có tình trạng hộ kinh doanh găm hàng, tự ý nâng giá phân bón.
Để thích ứng trong bối cảnh hiện nay, nhiều hộ nông dân đã chủ động chuyển từ phân bón vô cơ sang sử dụng phân bón hữu cơ. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi việc sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp tiết giảm chi phí, mà còn hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Về phía Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, chúng tôi cũng tăng cường công tác truyền thông, tập huấn và hướng dẫn bà con sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí, bón theo nhu cầu của cây trồng. Đồng thời, khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, SRI, “1 phải, 5 giảm”, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… trên đồng ruộng.
Ngoài ra, chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng phân chuyên dùng cho cây lúa, chè, cây ăn quả… để thay thế phân dời (phân đạm, phân lân, phân kali), nhằm giảm được từ 25-30% số lượng phân bón. Qua đó, giúp giảm bớt chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!