Khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc COVID-19 mới trên cả nước tăng. Cùng với đó, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng diễn biến khá phức tạp ở một số tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Thực tế này khiến không ít người dân trong tỉnh lo ngại về nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra. Để hiểu rõ hơn về các dịch bệnh truyền nhiễm nêu trên tại Thái Nguyên, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế.
P.V: Xin ông thông tin về tình hình dịch bệnh tại Thái Nguyên thời gian vừa qua?
Ông Đỗ Trọng Vũ: 2 tuần gần đây, các ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu giảm nhẹ. Riêng trong tuần qua (từ ngày 25 đến 31-7), Thái Nguyên phát hiện 74 ca bệnh trong cộng đồng, 2 ca từ F1 chuyển thành F0, giảm 8 ca so với tuần trước. Các ca mắc mới rải rác tại tất cả 9 huyện, thành phố, trong đó số ca mắc mới cao nhất tại TP. Thái Nguyên (25 ca) và thấp nhất tại huyện Phú Bình (2 ca). Hiện, các cơ sở y tế trong tỉnh đang điều trị cho 20 bệnh nhân (hều hết là người cao tuổi, người có các bệnh lý nền), trong đó có 11 bệnh nhân nhẹ, 9 bệnh nhân ở mức độ trung bình. Tuần qua, Thái Nguyên không có trường hợp tử vong do mắc COVID-19.
Đối với dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng, thời gian qua, Thái Nguyên không xuất hiện các ổ dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 24 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2021) phần lớn đều là người đi từ các tỉnh miền Nam trở về; 145 ca mắc chân tay miệng, tăng 123 ca so với cùng kỳ.
Như vậy có thể thấy, dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm nhẹ song vẫn đang diễn biến phức tạp, có thể bùng phát thành dịch lớn bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan. Còn với sốt xuất huyết và chân tay miệng, những ca bệnh này đang được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh giám sát chặt chẽ để ngăn chặn sự bùng phát thành dịch.
P.V: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là khi biến chủng phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh công tác tiêm các mũi vắc- xin phòng COVID-19 nhắc lại như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Thời gian qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại lần 1 và lần 2 (mũi 3 và mũi 4) cho người dân. Hiện, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh đang được khuyến khích tiêm đủ liều cơ bản, trong đó 72,5% số trẻ đã tiêm mũi 1, 36% tiêm đủ 2 mũi (trẻ ở độ tuổi này chưa có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại của Bộ Y tế). Tỉnh đã triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi được gần 50%.
Riêng đối với người từ 18 đến 49 tuổi có bệnh nền, ở tuyến đầu chống dịch, thường xuyên tiếp xúc nơi đông người được ưu tiên tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Ngoài ra, những người từ 50 tuổi trở lên cũng được ưu tiên tiêm mũi này. Đến thời điểm hiện tại, số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 là: 687.080 liều, đạt trên 75%; mũi nhắc lại lần 2 là: 129.893 liều, đạt gần 50%. Công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn đang được triển khai tại các điểm tiêm (cố định và lưu động) trên địa bàn tỉnh. Do đó, kết quả tiêm chủng vắc xin sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
P.V: Để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, Thái Nguyên đang triển khai các giải pháp gì, thưa ông?
Ông Đỗ Trọng Vũ: Chủ động phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh đang có xu hướng tăng lên như sốt xuất huyết, chân tay miệng là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế thời gian tới. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân luôn được chú trọng. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã và đang tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng dịch.
Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục quan tâm tới việc dự báo và điều chỉnh kịp thời các kế hoạch, phương án phòng chống dịch phù hợp, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép theo định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế; triển khai tốt chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh...
Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!