Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo là một trong những thành phần nhằm đánh giá Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Những năm qua, nhờ thực hiện công khai, minh bạch, hợp lòng dân trong công tác rà soát, công nhận hộ nghèo, Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đạt điểm cao về chỉ số thành phần này.
Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo là 1 trong 28 chỉ số thành phần đánh giá Chỉ số PAPI. Chỉ số này cho biết mức độ công khai danh sách hộ nghèo với người dân trong 12 tháng, được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hoạt động rà soát, công nhận hộ nghèo tại cơ sở.
Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số thành phần công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo của Thái Nguyên đạt số điểm 1,87-2,5 điểm (trên thang điểm tối đa 2,5), luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước đối với chỉ số này. Riêng năm 2020, Thái Nguyên đạt 2,04 điểm, tăng 0,17 điểm so với năm 2019, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành.
Ông Phạm Trung Thành, chuyên viên Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) cho rằng: Việc Thái Nguyên luôn đạt điểm số cao chứng tỏ, người dân đánh giá tốt việc rà soát, công nhận hộ nghèo của chính quyền cũng như các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc rà soát, công nhận hộ nghèo. Riêng năm 2020, kết quả khảo sát cho thấy, trên 81% số người được hỏi đã nắm được về công tác rà soát, công nhận và danh sách hộ nghèo tại địa phương.
Được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Nhà nước, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho thu nhập cao. Trong ảnh: Người dân xã Phượng Tiến (Định Hóa) thu hoạch dưa lưới.
Kết quả này đạt được là do những năm qua, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện nghiêm quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với công tác rà soát định kỳ hàng năm, địa phương, cơ quan chuyên môn thực hiện theo các bước: Xác định, lập danh sách các gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát, phân loại; tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, xóm và tại trụ sở UBND cấp xã, thông báo qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; báo cáo, xin ý kiến của UBND cấp huyện; công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.
Ông Nguyễn Minh Huy, Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Chúng tôi luôn thực hiện đúng quy trình, quy định về rà soát, công nhận hộ nghèo. Việc tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát được thực hiện dân chủ, bình đẳng. Ngay sau đó, kết quả được niêm yết công khai tại nhà văn hóa xóm và trụ sở UBND xã, thông báo qua hệ thống loa truyền thanh để người dân được biết. Nếu người dân có ý kiến chưa đồng thuận, chúng tôi sẽ giải quyết nhanh chóng, đúng quy định và hợp lòng dân.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng giúp người dân luôn đánh giá cao việc công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo của tỉnh là do Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của toàn tỉnh giảm 2,06%/năm và đến năm 2020, chỉ còn 3,1%. Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp, ngành và cộng đồng tích cực hưởng ứng. Những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả, như: Hỗ trợ về nhà ở cho 3.591 hộ nghèo; tạo việc làm cho 21,5 nghìn lao động...
Có thể khẳng định, nhờ nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, rà soát, công nhận hộ nghèo nên chỉ số công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo của tỉnh luôn đạt điểm số cao. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, Thái Nguyên không đạt điểm số tuyệt đối (2,5 điểm) ở chỉ số này. Điều này cho thấy công tác rà soát, công nhận và đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo cần tiếp tục được thực hiện chu đáo, công khai, đúng quy định hơn nữa trong những năm tiếp theo.