Với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, cộng với hệ thống sông, suối nhiều nên vào mùa mưa, nhiều địa phương trong tỉnh thường xuyên phải gánh chịu các loại hình thiên tai (như: Lũ quét, sạt lở đất, đá, lốc xoáy...), gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều phương án ứng phó nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn hiện hữu tại một số khu vực, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp khả thi, hiệu quả hơn.
Hiện nay, hạ tầng Khu tái định cư dành cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông Cầu ở xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.
Sinh sống dưới chân núi Thắm Pao, gia đình ông Triệu Phi Cao, ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) luôn thắc thỏm nỗi lo đá lăn xuống nhà mỗi khi trời mưa to kèm theo dông sét. Ông Cao giãi bày: Từ năm 2014, bắt đầu có hiện tượng đá văng từ trên núi xuống nhà của 1 hộ dân trong xóm, rất may là không có thiệt hại về người. Biết là rất nguy hiểm nhưng hiện tại, gia đình chưa có điều kiện để di chuyển đến nơi ở mới. Vì vậy, mỗi khi trời có mưa, lốc, sét, gia đình tôi phải đi ngủ nhờ ở nhà người quen.
Ông Dương Văn Thư, Trưởng xóm Làng Giai cho biết: Ở xóm có 5 hộ có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở đất, đá đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cảnh báo. Tuy nhiên, hiện mới có 2 hộ di dời, vẫn còn 3 hộ với 10 nhân khẩu nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm.
Cũng trên địa bàn huyện Võ Nhai, một số khu vực ở xã Phú Thương có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét gồm: Đường dân sinh ở các xóm Ba Nhất, Cao Biền; điểm trường Mỏ Gà, Trường Mầm non nằm trên địa bàn xóm Đồng Mới. Ngoài ra, các hộ dân sinh sống dọc 2 con suối Cạn và Mỏ Gà đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét.
Ông Dương Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng thông tin: Để phòng tránh ngập úng và lũ quét, xã chỉ đạo lực lượng thường trực theo dõi mực nước trên suối và các cầu tràn Làng Nghè, Làng Phật và Cao Lầm. Đồng thời, huy động các lực lượng hỗ trợ và hướng dẫn nhân dân sơ tán khi nước lũ lên cao.
Sinh sống dưới chân núi Thắm Pao, gia đình ông Triệu Phi Cao (bên trái), ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) luôn thắc thỏm nỗi lo đá lăn xuống nhà.
Tại T.X Phổ Yên, năm nay, tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất là ở xã Tân Phú. 120 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu đang sinh sống ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do tình trạng sạt lở bờ sông Cầu. Còn tại huyện Đại Từ, cầu tràn xóm Đặn 3 và xóm Dứa, xã Ký Phú hiện đã bị hư hỏng, cao độ mặt tràn thấp nên chỉ cần mưa nhỏ đã khiến nước ngập sâu, bà con không thể qua lại, tình trạng này cũng xảy ra ở cầu tràn xóm 5, xã Tân Linh. Tại một khu vực khác, dòng suối chảy qua đã gây sói lở hạ lưu cầu Tân Linh, ảnh hưởng trực tiếp đến tường rào của Trường THCS Tân Linh.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá; lũ ống, lũ quét. Trước thực trạng trên, nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, chính quyền các địa phương đã tiến hành kiểm tra những vị trí có nguy cơ sạt lở; lắp đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng thường trực tại khu vực có nguy cư cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, huy động các nguồn lực để xây dựng các khu tái định cư phòng tránh thiên tai.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho hay: Hiện nay, khu tái định cư xã Tân Phú đang được hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng, bao gồm đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước… đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân khi chuyển đến nơi ở mới. Đối với huyện Đại Từ, địa phương này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động 13 hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở ở thị trấn Quân Chu và xã Quân Chu di chuyển đến nơi an toàn.
Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch, dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, T.P Sông Công… Theo đó, từ năm 2013 đến nay, đã có trên 630 hộ dân được thực hiện bố trí tái định cư tập trung, di chuyển xen ghép và ổn định dân cư tại chỗ. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra.
Theo rà soát, trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn hộ dân cần phải bố trí, sắp xếp di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trước mắt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét thuộc 6 xã: Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh và Ký Phú (Đại Từ).
Từ thực tế cho thấy, các loại hình thiên tai ngày càng diễn ra phức tạp và không theo quy luật, rất khó dự báo. Bên cạnh đó, ở hầu hết các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh vẫn còn tình trạng người dân sinh sống sát các sông, suối hay bạt núi làm nhà. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong việc chủ động phòng tránh thiên tai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình.