Bài 2: Dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng Nói về ý nghĩa của Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu: “Đầu Công nguyên, đây là cuộc chiến đấu chống nô dịch giành độc lập duy nhất trên thế giới mà lại do phụ nữ lãnh đạo. Những cuộc khởi nghĩa cùng thời điểm ở các nước khác chỉ dừng lại ở lấy đất, giải phóng nô lệ. Vì thế, tầm vóc và ý nghĩa khởi nghĩa Hai Bà Trưng là to lớn… Tham gia vào cuộc khởi nghĩa thành công đó có Phó soái Hồ Đề và hàng nghìn Lạc dân vùng Động Lão Mai - Thiên Sớ, Thái Nguyên ngày nay”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, mùa Xuân Canh Tý năm 40 là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến Đông Hán phương Bắc, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Vùng đất Thái Nguyên đầu Công nguyên thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ.
Vùng đệm hay gọi cách khác là cầu nối giữa vùng đồng bằng châu thổ các con sông mẹ và vùng núi cao, thâm sơn cùng cốc, núi non hiểm trở, hang động nhiều, là nơi cát cứ vững chắc của các Lạc hầu, Lạc dân và Tù trưởng. Thái Nguyên tiếp giáp Mê Linh, lại nằm trong đường tiến quân xuống Cổ Loa, Long Biên, Lãng Bạc nơi có các trận đánh lớn với quân thù.
Sách Địa chí Thái Nguyên viết: “Vùng Hà Châu, Chợ Chã của Thái Nguyên có một vị trí thuận lợi cả về đường thủy lẫn đường bộ…các vị Lạc tướng, Lạc hầu của huyện Tây Vu đã chốt chặn ở vùng ngã ba sông Cầu và sông Công để khống chế huyết mạch giao thông thủy bộ… Chính vì thế Thái Nguyên trở thành “Vùng đệm chiến lược”, đóng một vai trò cầu nối, nơi cung cấp cơ sở vật chất cùng sức người trong Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo”. Còn huyền sử, dã sử thì lưu truyền câu chuyện về một phụ nữ tài giỏi, cai quản tới 70 động vùng Lũng Mai, Thiên Sớ (Võ Nhai - Thái Nguyên) có tên Hồ Đề, kéo quân theo Hai Bà, lập công lớn, được Trưng Trắc phong làm Phó tướng cho mình.
Ông Nguyễn Huy Canh, nhiều năm làm cán bộ Ban Quản lý Đền Hai Bà Trưng, Mê Linh (T.P Hà Nội) cho biết: Đền thờ được dựng lên ngay sau khi Hai Bà mất, được bảo tồn, tôn tạo qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Bà Trưng có 97 nữ tướng, trong số các nữ tướng nổi bật đó, có một nữ tướng duy nhất kéo quân đến từ mảnh đất miền núi Thiên Sớ (nay là tỉnh Thái Nguyên), khởi nghĩa từ Động Lão Mai (vùng Võ Nhai - Thái Nguyên) đó là Hồ Đề, được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa, lãnh chức Phó nguyên soái, Trấn viễn đại tướng quân. Bà là 1 trong 6 nữ tướng lĩnh có nhiều công trạng, uy danh lừng lẫy nhất dưới thời Hai Bà Trưng, hiện đang được thờ tại nơi bà tổ chức khao quân là Đình làng Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Với khí khách anh hùng, tinh thông võ nghệ, có lòng yêu nước, căm thù giặc Hán sâu sắc, Hồ Đề được tôn xưng là Thiên Sớ đại vương. Khi nghe tin Hai Bà trưng dấy binh chống giặc Hán, bà và em trai là Hồ Hác đã về Mê Linh hội quân với Trưng nữ chủ, và được Trưng nữ chủ phong chức Phó nguyên soái, đứng đầu hàng nữ tướng, ngang chức với Trưng Nhị. Hồ Hác được giao chức Điều vát tướng quân chuyển vận binh lương từ miền bể.
Cùng với các tướng lĩnh, binh sĩ, 2 chị em nữ tướng Hồ Đề đã luôn sát cánh, làm nên thắng lợi của khởi nghĩa lịch sử Hai Bà Trưng - Cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi tháng 5-2015 với chúng tôi, Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tụ nghĩa gần 100 nữ tướng có quê trung du và đồng bằng châu thổ. Duy nhất có một thủ lĩnh sống ở miền núi cao xứ Võ Nhai, Đồng Hỷ, Thái Nguyên là nữ tướng Hồ Đề, cùng Hai Bà Trưng làm nên chiến thắng oanh liệt, công trạng lớn lao. Thái Nguyên có di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm, hang Phiêng Tung (Thần Sa, Võ Nhai), một trong những cái nôi của loài người. Cũng cần lấy việc Hồ Đề đã làm là chương mở đầu cho cuốn lịch sử yêu nước, chống ngoại xâm của quê hương.
Sự kiện lịch sử này đã cho thấy, ngay từ những năm đầu Công nguyên, trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, những người con từ núi rừng Thái Nguyên đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nguy, một lòng đứng lên đánh đuổi giặc Đông Hán, giải phóng đất nước. Và ý chí quật cường, anh dũng, lòng yêu nước sâu sắc ấy của nữ tướng Hồ Đề đã được các thế hệ con cháu trên mảnh đất Thái Nguyên tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp, tạo nên truyền thống yêu nước, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.
Ngọn đá khắc lời thề của Hai Bà Trưng khi làm Lễ tế cờ được đặt tại sân Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, T.P Hà Nội). Ảnh: Tư liệu
Trong quyển “Nữ tướng thời Trưng Vương”, do NXB Phụ nữ - Hà Nội ấn hành năm 1976 của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương (Con trai nhà thơ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu) có đoạn bà Bạch Thị Phương vẫn thường nói với các con: "Tô Định giết quan huyện lệnh Chu Diên Đặng Thi Sách, sát hại nhiều con em dòng Lạc hầu, Lạc tướng. Dân ta bị giặc róc xương hút tuỷ, oán giận đầy lòng. Lúc này chính là lúc các con cần đến võ lược. Việc học tập, các con phải chuyên cần, không được trễ nải".
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương trong những năm 70 của thế kỷ XX công tác tại Ty Văn hóa Phú Thọ, đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người để tìm lại những cứ liệu lịch sử tại các đền, đình thờ những nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Trong đó, nữ tướng Hồ Đề là nhân vật đã khơi nguồn cảm xúc để ông viết tập dã sử “Nữ tướng thời Trưng Vương”.
Ông Xương viết: Núi rừng Thiên Sớ (Thái Nguyên) có nhiều động lớn nhỏ, cai quản mỗi động là 1 chúa. Động Lão Mai là một động lớn trong số 72 động của núi rừng Thiên Sớ, nằm giữa các thung lũng lớn, mùa Xuân trắng hoa mận mơ, mùa Hè vàng quả chín. Hơn ba chục nóc nhà sàn rải rác dọc một con suối lớn, suốt ngày đón gió vì thung này nằm dọc hướng đông nam, ở đây nhà nào cũng có trâu đàn, nghé bầy, có gà đầy sân, lợn dăm bảy con thả rông quanh nhà. Dân phát nương tra ngô và lúa. Tại động Lão Mai, Hồ Đề tổ chức một đội nam binh và một đội nữ binh, dạy dân cày vỡ các tràn ruộng rộc để lấy thêm lương thực, đồng thời giúp đỡ các động khác.
Trong quá trình đó, Hồ Đề nắm được đa số các chúa động đều căm thù giặc Đông Hán. Thiên Sớ đại vương Hồ Đề mới 21 tuổi, tài trí hơn người, cùng dân các động Thiên Sớ lo lương thực và khí giới chống nhà Hán. Châu Úy, Châu Lỵ, Phủ Thái thú của giặc Hán đem quân tiễu phạt đều bị nghĩa quân Thiên Sớ đại vương đánh cho thất điên bát đảo. Khi được tin Hai Bà Trưng tụ nghĩa ở Mê Linh chống giặc Hán, Quốc vương Thiên Sớ Hồ Đề kéo theo hàng nghìn quân binh về tụ nghĩa, tế cờ. Nữ tướng Hồ Đề quyền kiêm cả nội ngoại binh, đổi tên là Ả Lự Tướng quân, có tài liệu ghi là Trấn Viễn đại tướng quân. Kéo quân về đồn binh tại khu ngoài - ven sông Cái tại Đông Cao Trang (làng Đông Cao ngày nay).
Trong Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nữ tướng Hồ Đề giữ chức vụ ngang với Trưng Nhị, lập nhiều công lớn. Sau khi Hai Bà Trưng tử tiết, Hồ Đề chống giặc cho tới cùng rồi gieo mình dưới sông Nguyệt Đức… Nơi Hồ Đề và quân sĩ khởi binh, các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định, các câu chuyện dã sử có đề… Bà Đặng Thị Phương sai con trai là Hồ Hắc mở con đường vượt qua dẫy Tam Đảo về xuôi tìm muối…”. Dãy Tam Đảo cao 1.143m, chạy từ Tây sang Đông, ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên (phía Đông) và Vĩnh Phúc (phía Tây - xuôi về đồng bằng), Hồ Hắc mở đường vượt qua thì chỉ có thể là từ Thái Nguyên…
Nhắc đến Hồ Đề, tìm trong chính sử, dã sử và huyền sử để chúng ta nhắc nhớ việc bồi đắp thêm cho thế hệ hôm nay và mai sau niềm tự hào dân tộc, quê hương sự tri ân đối với Hai Bà Trưng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước.
Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện uỷ Võ Nhai từng khẳng định: Võ Nhai là nguồn cội của người Việt, mấy nghìn năm qua, có nhiều con người xuất chúng, sự kiện quan trọng được lưu danh, trong đó có Nữ tướng Hồ Đề và hàng nghìn Lạc dân thời Trưng Vương. Đảng bộ và nhân dân Võ Nhai tri ân lịch sử bằng những nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh.
(Còn nữa)