Căn nhà số 87 giản dị nằm trong ngõ, cạnh Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, thuộc tổ dân phố 11, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), là nơi ở của ông Lê Chỉnh (Nguyễn Đình Thông) - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thái Nguyên (1962-1971). Những ngày đầu tháng Tám, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Thái Nguyên, tôi đã đến thăm và được nghe ông ôn lại những kỷ niệm về nghề làm báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ năm xưa.
Mặc dù đã 96 tuổi nhưng ông Lê Chỉnh vẫn thường xuyên đọc báo Thái Nguyên để nắm bắt tình hình trong tỉnh và dõi theo sự phát triển của tờ báo. |
Năm nay, ông Chỉnh đã bước sang tuổi 96, với 76 năm tuổi Đảng, song vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn và đặc biệt là sự minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói: Tôi đang ở cùng gia đình cậu con trai thứ hai, xung quanh đều là nhà các con cháu. Nhà này được xây trên khu đất lấp hố bom trong đợt đế quốc Mỹ thả xuống cầu Gia Bẩy vào tháng 10-1965. Chắc cô nhà báo cũng nghe kể về trận bom ác liệt này rồi…
Một chút trầm tư, rồi ông kể về những kỷ niệm không bao giờ quên: Năm 1965, tôi là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, đi tháp tùng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Hoàng khảo sát thiệt hại về người và của do trận bom Mỹ để lại ở khu vực cầu Gia Bẩy. Không may là chúng tôi lại gặp đợt bom thả xuống ầm ào dữ dội, Đoàn công tác phải nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Sau trận bom ấy, tôi đã chụp ảnh hiện trường, tập hợp số liệu, phỏng vấn nhân chứng và lược ghi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh để viết bài. Đêm ấy, ngồi viết, tôi đã khóc, bản thảo viết lại đến mấy lần vì nước mắt làm nhòe hết chữ. Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất quãng thời gian làm báo của tôi…
Trò chuyện với ông, tôi được biết, Lê Chỉnh là bí danh khi hoạt động cách mạng, còn tên khai sinh của ông là Nguyễn Đình Thông. Ông sinh năm 1926 tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội). Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1945, đến năm 1947 thì vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 21 tuổi, được bầu làm Bí thư Văn phòng Sở Công an khu 12 (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang). Năm 1949, ông về làm Trưởng Văn phòng rồi Trưởng Ban Chính trị của Công an tỉnh Thái Nguyên.
Sau thời kỳ cải cách ruộng đất, ông được điều chuyển làm Trưởng phòng Thông tin tỉnh, phụ trách tờ Tin Thái Nguyên (tiền thân của tờ báo Thái Nguyên sau này). Khi tờ Tin Thái Nguyên được chuyển thành Báo Thái Nguyên, đồng chí Trần Oanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đường lối chung là Chủ nhiệm tờ báo; còn ông Lê Chỉnh làm Phó Chủ nhiệm tờ báo Thái Nguyên kiêm Trưởng Ban Biên tập của Báo và Đài.
Lật mở xem kỹ mấy tờ báo Thái Nguyên, ông bảo: Báo bây giờ trình bày và in đẹp quá, bài viết cũng phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực. Cầm tờ báo trên tay, tôi lại thấy nhớ những ngày đầu làm số báo đầu tiên.
Giọng ông hào hứng, sôi nổi khi kể về những ký ức của 60 năm trước: Sau khi thành lập, tháng 10-1962, số báo đầu tiên của Báo Thái Nguyên ra đời với 4 trang khổ nhỏ (27x39cm-P.V) và được in 2 màu, mỗi tuần xuất bản một kỳ. Các số báo đều tập trung tuyên truyền về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phản ánh khí thế thi đua sôi nổi của toàn Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị, xí nghiệp, công, nông trường và quần chúng nhân dân cũng như nêu những gương điển hình trong lao động, sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Trụ sở Báo lúc ấy được Tỉnh ủy giao cho mấy gian nhà nhỏ gần khu vực Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam bây giờ. Cơ sở vật chất của Tòa soạn còn nhiều thiếu thốn, chỉ có một máy đánh chữ và 1-2 chiếc máy ảnh cho các phóng viên tác nghiệp, in bằng bản kẽm tại Nhà máy in Việt Bắc.
Năm 1965, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được sáp nhập thành tỉnh Bắc Thái, tờ báo cũng mang tên Bắc Thái từ đó. Tháng 6-1965, Báo Bắc Thái phát hành số đầu tiên sau khi sáp nhập, từ đó ấn định mỗi tuần ra hai số, 4 trang. Sau sáp nhập, số phóng viên, biên tập viên của Báo tăng lên hơn chục người. Một số phóng viên được giao phụ trách địa bàn ở lại các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông… viết tin, bài gửi bưu điện về Tòa soạn. Giai đoạn Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc dữ dội, trụ sở Báo phải sơ tán lên xã Phấn Mễ (Phú Lương) rồi chuyển về xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, huyện Đồng Hỷ (nay là TP. Thái Nguyên). Anh chị em trong Tòa soạn vất vả lắm, ngoài giờ tác nghiệp phải tự làm nhà, đào hầm trú ẩn, đi lại đều bằng xe đạp. Một số phóng viên không ngại nguy hiểm xung phong ở lại TP. Thái Nguyên đầy “mưa bom” với tấm phù hiệu “phóng viên chiến đấu”, thường xuyên viết bài, chụp ảnh phản ánh tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân Bắc Thái…
Dừng lời giây lát, ông kể tiếp: Vinh dự với tôi là làm Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thái Nguyên và vào tháng 9-1962, tại Đại hội các nhà báo Việt Nam lần thứ 3, tôi được kết nạp vào Hội Nhà báo, trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Tôi còn nhớ, khi làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Hoàng có gọi tôi sang và nói: Tôi coi báo các anh là “cái miệng” của Tỉnh ủy. Sở dĩ tôi ví như vậy vì chúng tôi muốn nói cái gì với nhân dân, với Đảng đều nhờ đến các anh. Còn nhân dân muốn nói gì với Đảng, với cấp ủy thì cũng phải qua các anh… Nhớ lời chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tôi đã cùng anh em trong Tòa soạn ngày càng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền của tờ báo. Vậy nên lúc đó, mặc dù mới ra đời nhưng Báo Thái Nguyên đã tỏ rõ sự vững vàng của một cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Sau khi Báo thành lập được mấy năm, tôi vinh dự được đi báo cáo điển hình là một trong những tờ báo Đảng địa phương có thành tích tuyên truyền tốt do Trung ương tổ chức ở Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Một dấu mốc tôi không thể quên nữa là năm 1968, tôi được Giám đốc Sở Báo chí Trung ương cấp Thẻ nhà báo. Đến giờ, tôi vẫn trân trọng và gìn giữ nó như một kỷ vật trong cuộc đời…
Chỉ tay vào chồng báo dày dặn được xếp gọn gàng ở gần bàn uống nước, ông Chỉnh cười nói: Hằng tháng, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên đều gửi báo biếu, tôi vẫn đọc thường xuyên để nắm bắt tình hình phát triển của tỉnh nhà cũng như dõi theo sự phát triển của cơ quan báo khi xưa mình công tác. Thật mừng bởi hình thức và nội dung của tờ báo ngày càng phong phú, hấp dẫn. Mừng hơn là đội ngũ lãnh đạo của Báo và anh chị em phóng viên, biên tập viên hiện nay đều trẻ, khỏe, năng động và có trình độ chuyên môn tốt. So với trước đây, đội ngũ làm báo hiện nay đã có điều kiện vật chất và trình độ chuyên môn tốt hơn rất nhiều. Mong rằng mỗi người làm báo hãy luôn tu dưỡng về tư tưởng chính trị, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin