Đi từ trung tâm thành phố Thái Nguyên theo đường Bắc Kạn khoảng 1km đến ngã ba Mỏ Bạch, nhìn sang bên trái thấy một dãy núi thấp, đó chính là núi Yên Ngựa, nằm ở cực Bắc phường Quang Trung.
Núi Yên Ngựa là một dãy núi độc lập chạy dài khoảng 500m thấp dần từ Tây sang Đông, đã có từ xưa. Tôi được nghe những người già kể lại rằng lúc các cụ còn nhỏ thì núi có chiều cao trên 30m. Đứng từ phía Nam trên đỉnh đồi ông Đống (bây giờ là phía Bắc phường Đồng Quang) nhìn lên hoặc từ bên kia sông Cầu (xã Cao Ngạn) nhìn sang thì núi có hình con ngựa đứng, đầu ở phía Đông, đuôi ở phía Tây.
Núi thót lại phần đầu, đuôi nhỏ dần. Phần “thân ngựa” phình to, phía mặt trên núi bằng phẳng trông xa như cái yên ngựa. Bởi vậy, người dân trong vùng mới đặt tên là núi Yên Ngựa. Đây là quả núi đá gan trâu lẫn đất vàng sỏi cơm. Cây cối trên núi cằn cỗi, thưa thớt, chủ yếu các loại cây gai, dây leo. Núi có độ dốc nên chỉ có một vài đường mòn để dân trèo lên lấy củi, lấy thuốc nam.
Tục truyền, núi bình lặng nhưng phần “đuôi ngựa” luôn luôn quẫy, bởi vậy, dân ở đây cư trú thường không lâu, ở một thời gian lại di rời nơi khác. Không rõ do có cảm giác không yên ổn hay do hoàn cảnh khách quan của từng nhà tạo ra. Câu chuyện này vẫn còn truyền miệng đến bây giờ.
Theo dân quanh vùng thì núi Yên Ngựa xưa là một vị trí quân sự quan trọng, các triều đình phong kiến trước đây đã cho quân lính thường xuyên lên bố phòng trên Yên Ngựa để quan sát động tĩnh dân chúng một vùng rộng lớn phía Bắc và bên kia sông cầu. Là một địa điểm bảo vệ từ xa thị xã Thái Nguyên, thời Pháp thuộc Yên Ngựa cũng được coi trọng để bố phòng từ tòa Công sứ và cầu Gia Bẩy, ngăn giữa các lực lượng du kích phía Bắc.
Núi Yên Ngựa còn là địa danh gắn với nhiều sự kiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân thành phố Thái Nguyên. Ngày 20/8/1945, thị xã Thái Nguyên được giải phóng, quân địch rút chạy về phía Nam. Tuy nhiên, chúng vẫn co cụm một số quân ở phía Bắc hòng tiếp tục càn quét lùng bắt cơ quan đầu não của ta. Sau khi thất bại ở mặt trận đường số 3 và 4, mặt trận Sông Công và bị tiêu diệt nhiều sinh lực ở Chợ Mới, Chợ Đồn, chúng phải rút chạy.
Giặc Pháp chuyển sang thực hiện bước 2 mở rộng càn quét khu vực tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương. Mục tiêu của giặc là lùng bắt cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt chủ lực của ta, hướng càn quét chủ yếu là Thái Nguyên. Nhưng chúng đã thất bại trong trận thả quân xuống La Hiên (Võ Nhai); An Khánh, Cù Vân (Đại Từ) nên buộc phải rút về xuôi.
Ngày 18/2/1947, quân Pháp từ Đồng Bẩm, Chùa Hang vượt qua cầu Gia Bẩy và từ Làng Ngò (An Khánh) tràn qua cầu Mỏ Bạch, Yên Ngựa vào thị xã Thái Nguyên. Tại đây, chúng bị các đơn vị du kích làng Cầu Tre, Làng Đanh phục kích nên rơi vào khốn đốn. Đại đội độc lập của chiến khu 1 phối hợp du kích chặn đánh mạnh mẽ từ Yên Ngựa đến đồi Chánh Sứ (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Trung đội du kích chiến đấu vô cùng anh dũng, đã có 2 chiến sĩ hy sinh tại đồi thông (nay là Đài tưởng niệm liệt sĩ thành phố) là Phạm Văn Ngũ và Phạm Văn Vạn. Quân giặc bị vây hãm nên phải rút chạy khỏi thị xã Thái Nguyên.
Trong những năm quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1965- 1966), núi Yên Ngựa là một địa điểm đặt pháo của bộ đội phòng không. Tại đây, các lực lượng tự vệ và bộ đội đã phối hợp anh dũng chiến đấu bắn máy bay địch.
Núi Yên Ngựa ngày nay đã được san phẳng thành một khu dân cư nằm trong tổ dân phố số 1, phường Quang Trung. Khu dân cư đồi Yên Ngựa được Nhà nước đầu tư đồng bộ cùng với các tuyến đường khác, góp phần xây dựng tổ dân phố trở thành tổ dân phố văn hóa ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Núi Yên Ngựa không còn nữa nhưng những câu chuyện lịch sử như thần thoại vẫn còn sống động trong lòng người dân hai bên bờ sông Cầu và thành phố Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin