Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh sau ngập lụt

Thu Hằng 06:39, 12/09/2024

Sau mưa lũ, những khu vực bị ngập có nhiều rác thải, chất thải, vi sinh vật… gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Vì thế, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ đang được ngành Y tế cấp bách triển khai...

Đội phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên hỗ trợ tại Trường THPT Dương Tự Minh chiều 11-9.
Đội phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên hỗ trợ tại Trường THPT Dương Tự Minh chiều 11-9.

Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Ngay từ khi có thông tin về cơn bão, Trung tâm đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đến trung tâm y tế các địa phương, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, do hậu quả mà cơn bão để lại vượt xa tầm dự báo nên hiện nay, tại Trung tâm và các địa phương đều trong tình trạng thiếu hóa chất khử khuẩn và làm sạch nguồn nước. Trước thực trạng này, ngày 10-9, Sở Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 2 tấn hóa chất Cloramin B và 20.000 viên Aquatab để hỗ trợ các địa phương. Cùng với đó, ngành Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động mua đủ thuốc và các hóa chất cần thiết để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Với phương châm “Nước rút đến đâu, phải xử lý vệ sinh môi trường đến đó”, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh, ngay trong sáng 11-9, một số địa phương đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ hóa chất để thực hiện khử khuẩn. Tuy nhiên, do số lượng hiện có không nhiều, chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu nên việc khử khuẩn sẽ được ưu tiên thực hiện tại những nơi cấp bách trước, như: các cơ sở y tế, những ổ dịch cũ, nơi bị ngập sâu…

Mặc dù chưa có số liệu tổng hợp chính thức nhu cầu của các địa phương đối với các loại hóa chất này nhưng chắc chắn nhu cầu là rất lớn, có thể lên tới hàng chục tấn Cloramin B. Trung tâm đã và đang nỗ lực tìm hiểu, liên hệ với tất cả những nơi có thể để đề nghị hỗ trợ. Vì một hai ngày tới, khi nước rút dần tại các địa phương, nhu cầu đối với các loại hóa chất này sẽ lại càng lớn. Do đó, việc các địa phương chủ động và khẩn trương có các giải pháp để đảm bảo có hóa chất trong thời này là rất cấp thiết. Vì càng để lâu, nguy cơ phơi nhiễm nguồn bệnh càng nhiều.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lụt lần này, TP. Thái Nguyên có 133 xóm, tổ dân phố bị ngập; 51 xóm, tổ dân phố bị cô lập, thuộc 23 xã, phường. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có khoảng 4.600 hộ bị ngập nhà cửa; gần 1.800 hộ dân bị cô lập. Vì thế, nhu cầu sử dụng hóa chất khử khuẩn cũng như dùng viên Aquatab để làm sạch nguồn nước trong sinh hoạt trên địa bàn là rất lớn.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp hóa chất Cloramin B cho một số trung tâm y tế trên địa bàn sáng 11-9.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp hóa chất Cloramin B cho một số trung tâm y tế trên địa bàn sáng 11-9.

Bác sĩ Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, thông tin: Ngày 11-9, đơn vị đã thành lập 6 đội phun hóa chất khử khuẩn môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt (mỗi đội 10 người) để hỗ trợ các địa phương, đơn vị khử khuẩn tại các địa điểm có nguy cơ. Ngay từ chiều 11-9, các đội này đã tiến hành phun khử khuẩn cho một số trường học trên địa bàn, sau khi các trường này đã quét rửa vệ sinh sạch sẽ để đón học sinh quay trở lại. Trước mắt, đơn vị  sẽ sử dụng trong số lượng hóa chất Cloramin B hiện có (khoảng 100k, trong đó có 60kg vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp sáng 11-9). Trung tâm cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Thái Nguyên cấp kinh phí để thực hiện mua các loại hóa chất cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh. Có đến đâu, Trung tâm sẽ tổ chức phun và cấp cho trạm y tế các xã, phường đến đó để thực hiện việc khử khuẩn tại địa phương, cũng như chia cho các hộ dân trên địa bàn.

Bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ thêm: Trong bối cảnh thiếu hóa chất Cloramin B, các hộ dân có thể khắc phục tạm thời bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc thuốc tẩy. Do thời điểm này, nước sạch ở nhiều nơi chưa được cấp trở lại nên kinh nghiệm để rửa sạch bùn đất trên nền nhà, nền sân là khi nước lũ rút gần hết (tận dụng luôn lượng nước còn đọng lại để quét rửa). Sau đó, rửa lại bằng nước mưa hoặc nước sạch. Cùng với hóa chất khử khuẩn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩn sau bão lụt, nhất là nguồn nước cũng cần đặt biệt quan tâm. Đối với những bể nước đã bị nước bẩn tràn vào, trước khi sử dụng lại, nhất thiết phải tiến hành thau rửa cẩn thận. Mọi người cần thực hiện tốt việc ăn chín, uống chín để đề phòng các bệnh về đường  tiêu hóa, như tiêu chảy, tả lỵ, thương hàn…