Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Dương Hưng 14:52, 16/03/2024

Sáng 16-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.

Dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các chuyên gia, nhà kinh tế. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà ở xã hội là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước luôn quan tâm. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất, với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411 ngàn căn. Đặc biệt, gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng. Đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, một số địa phương chưa thực sự quan tâm; nhiều dự án chậm tiến độ. Đối với Thái Nguyên, thời gian qua đã triển khai một số dự án nhà ở xã hội, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao 16 ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và chuyên gia kinh tế. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhà ở xã hội cũng như nhà ở khác, phải đảm bảo có các dịnh vụ bình thường, nhưng khác nhau về cơ chế chính sách đối với chủ đầu tư và người mua. Vì vậy, các bộ, ngành phải tiếp tục cải cách, giảm thủ tục trong đầu tư, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong thực hiện nhà ở xã hội phải thuận tiện. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cắt giảm thủ tục đầu tư; Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, vận động các ngân hàng thương mại tư nhân cùng vào cuộc trong vấn đề cung cấp nguồn vốn vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội; các địa phương cần vào cuộc tích cực, đăng ký chỉ tiêu nhà ở xã hội trong năm 2024; đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội thành pháp lệnh, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.