Từng là xã nghèo của huyện Đại Từ nhưng những năm gần đây đời sống kinh tế - xã hội ở Tân Linh ngày càng khấm khá. Trong đó, chè được lựa chọn là cây trồng mũi nhọn, đem lại phần lớn thu nhập cho người dân. Vì vậy, cây chè được địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm phát triển. Đến nay, xã Tân Linh đã trở thành vựa chè lớn nhất của huyện Đại Từ với quy mô hơn 600ha, được chăm sóc bởi những nông dân có kinh nghiệm, phương pháp canh tác an toàn.
Theo ông Đinh Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Linh thì sở dĩ cây chè được người dân địa phương lựa chọn vì phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, hom chè cắm ở đâu là cây sinh trưởng, phát triển xanh tốt ở đó. Nhận thấy hiệu quả từ trồng chè, những năm qua nhân dân tích cực mở rộng diện tích, đưa những giống chè mới, có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng thay thế giống cũ đã cằn cỗi.
Đến nay, diện tích chè cành chất lượng cao chiếm trên 70% tổng diện tích chè toàn xã. Các giống chè phổ biến là: LDP1, TRI777, Long Vân… Trung bình mỗi năm, tổng sản lượng chè búp tươi của địa phương đạt xấp xỉ 8.000 tấn (tăng hơn 2.000 tấn so với thời điểm 4-5 năm trước đây), năng suất bình quân đạt 17-18 tạ/ha. Nhiều người làm chè ở Tân Linh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn.
Đồi chè rộng hơn 1ha của gia đình anh Nguyễn Quốc Trưởng, xóm 10, xã Tân Linh được canh tác theo phương pháp hữu cơ đến nay đã bước sang năm thứ 3. Anh Trưởng chia sẻ: Trước kia, không ít người trồng chè vì chạy theo lợi nhuận mà phun thuốc hóa học bừa bãi, thu hái không đảm bảo thời gian cách ly theo quy định, khiến môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm chè tồn dư nhiều chất độc hại... Nhiều năm gắn bó với cây chè, tôi hiểu rằng, sản xuất an toàn là bảo vệ sức khỏe của chính mình và người sử dụng. Do vậy, tôi là một trong những người đầu tiên ở xã canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGAP, rồi chuyển sang phương pháp hữu cơ. Thời gian đầu, sản lượng chè thu về khá kém, năng suất giảm đến 40-50%, hình thức cũng không bắt mắt. Nay thì khác, đất bị ô nhiễm đã hồi sinh, cây chè đã cho sản lượng ổn định, quan trọng hơn là an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe.
Từ những người tiên phong, xu hướng làm chè an toàn lan ra toàn xã với 170ha trồng chè VietGAP, 12ha trồng chè theo phương pháp hữu cơ. Song song với sản xuất chè an toàn, các hộ dân còn có xu hướng liên kết trong sản xuất chè. Cùng với các làng nghề chè, tổ hợp tác, đến nay, xã đã có hợp tác xã sản xuất, chế biến và kinh doanh chè là Hợp tác xã chè Trần Nam, ở xóm 13.
Từ năm 2021, định hướng phát triển chè theo liên kết chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã và kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Cây chè đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng thu nhập cho người dân ở Tân Linh. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 50 triệu đồng/người/năm (tăng gần 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,3% (giảm một nửa so với năm 2016)…
“Từ nay cho đến cuối năm, chúng tôi phấn đấu cùng với người dân hoàn thiện các thủ tục để cấp chứng nhận cho 12ha chè trồng theo phương pháp hữu cơ, cấp lại chứng nhận VietGAP lần 1 cho 50ha chè VietGAP. Đồng thời tăng cường thu hút các dự án đầu tư hạ tầng phát triển cây chè. Chính quyền địa phương sẽ đồng hành với người dân trong tìm kiếm các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiêu thụ chè với số lượng lớn. Đây sẽ là điều kiện để người dân chăm sóc, mở rộng diện tích chè an toàn, để Tân Linh không chỉ được biết đến là vựa chè lớn nhất huyện mà còn là vùng chè nguyên liệu tập trung, an toàn, chất lượng hàng đầu của tỉnh. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng chè nguyên liệu chất lượng cao với tổng diện tích 300ha…”, Chủ tịch UBND xã Tân Linh cho biết thêm.