Vấn nạn đạo văn, vi phạm tác quyền đang tiếp tục hoành hành, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa, văn nghệ, hoạt động xuất bản. Vậy cần phải yêu cầu cao hơn về vai trò của các đơn vị xuất bản như thế nào?
Sách đạo văn ra từ… nhà xuất bản!
Đặt vấn đề như trên có thể dễ gây bức xúc với những NXB chưa “dính” vào vụ việc đạo văn, hay NXB có sách bị xác định có đạo văn nhưng hành vi đó là do tác giả thực hiện, còn NXB cấp phép mà không biết, không kịp, không đủ khả năng kiểm chứng hết.
Tất nhiên, cũng không phải không có trường hợp có NXB cố tình in sản phẩm đạo văn, vi phạm bản quyền, hoặc biết có sự vi phạm bản quyền mà vẫn cấp giấy phép, tổ chức in ấn, phát hành cho tác phẩm. Nhưng khoan nói đến những đơn vị là “tòng phạm, đồng phạm” ấy.
Có thể thấy ở nhiều trường hợp không vi phạm, không biết, thì NXB vô tội, thậm chí còn là nạn nhân, khi bị vạ lây, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, thương hiệu, thậm chí thiệt hại về kinh tế khi sản phẩm phải thu hồi. Tuy nhiên, dù là nạn nhân, thì những sản phẩm không trung thực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chứa đựng hành vi phạm pháp, cũng đã ra đời từ chính NXB đó, qua khâu thẩm định, cấp phép của NXB mà có cơ hội lan ra thị trường, tiếp cận người đọc.
Vậy, vai trò, trách nhiệm được gánh trên vai là rất lớn khi NXB chính là người gác cánh cửa thẩm định, phê duyệt rất quan trọng này. Và như vậy, các biện pháp phòng chống việc xuất bản sản phẩm đạo văn, vi phạm bản quyền ngay từ NXB, cần phải được chú trọng hơn và nghiên cứu cách làm hiệu quả.
Thực tế hiện nay, những nội dung thỏa thuận, hợp đồng theo kiểu "tác giả tự chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm" chưa đề cao và đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan xuất bản. Bởi nếu NXB không chịu trách nhiệm một phần nào, thì ý thức đề phòng, cảnh giác sẽ rất thấp, dễ nảy sinh tâm lý coi nhẹ sự việc, rằng nếu xuất bản phẩm đó có đạo văn, thì tác giả của nó bị phê phán, bị tố cáo, kiện tụng, bồi thường, chịu xử lý của pháp luật. Còn NXB bất quá cũng chỉ là một người bị lừa, có thể trả lời: “chúng tôi không biết”, là xong.
Vì thế, để bảo vệ uy tín, hình ảnh, thương hiệu của mình, NXB cần chủ động có thỏa thuận với tác giả khi cung cấp bản thảo, về việc cam kết rằng tác phẩm này không vi phạm tác quyền. Đồng thời không chỉ cam kết không, nên bổ sung việc bắt buộc tác giả bồi thường thiệt hại về vật chất và uy tín cho NXB nếu sản phẩm bị phát hiện có đạo văn, vi phạm bản quyền. Đây là hình thức hợp lý, vì xét ra, tác giả đạo văn không chỉ xâm phạm đến tác quyền của người bị đạo văn, mà còn lừa dối, gây ảnh hưởng đến đơn vị xuất bản. Bởi vậy, không chỉ phải bồi thường cho người bị xâm phạm tác quyền, mà “thủ phạm” sẽ còn phải bồi thường cho đơn vị xuất bản. Việc tăng thêm “độ nặng” xử lý này, sẽ cảnh báo mạnh mẽ hơn với những ai có ý định, hành vi đạo văn, vi phạm tác quyền của người khác.
Hình thức xử phạt này, bước đầu có thể đưa vào hợp đồng giữa NXB với các tác giả. Lâu dài hơn, có thể đưa vào quy định của pháp luật về xuất bản, làm cơ sở xử lý những hành vi xấu.
Ngược lại, về phía NXB, nếu để lọt sản phẩm đạo văn, vi phạm tác quyền, thì cũng phải chịu những hình thức xử lý nhất định. Thí dụ như phải chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm, nộp phạt. Đó cũng là cách ràng buộc, nâng cao trách nhiệm của NXB trong khâu biên tập, thẩm định, cấp phép đề sớm phòng tránh việc chính mình trở thành nạn nhân.
Còn đương nhiên, với những đơn vị xuất bản là “thủ phạm, tòng phạm, đồng phạm” của việc đạo văn, vi phạm tác quyền, thì việc xử lý phải nặng hơn, có tính đến mức độ đình chỉ xuất bản trong thời gian nhất định. Đó là cách “răn đe” cần thiết, bởi nếu chính cơ quan xuất bản là người cố tình làm sai trái thì hậu quả càng tai hại.
Những cách xử lý đó, nên sớm bổ sung trong quy định pháp luật về xuất bản. Vì hiện nay, vai trò NXB trong vấn nạn đạo văn, vi phạm tác quyền, dường như còn bị xem nhẹ. Bên cạnh các biện pháp nâng cao trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm biên tập viên, chất lượng khâu biên tập, thẩm định, cấp phép…, thì những ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm có tính pháp lý trên cần được nghiên cứu thực hiện.