Những năm gần đây, văn học thiếu nhi khởi sắc với nhiều tác giả, tác phẩm mới. Đặc biệt, sự xuất hiện của những tác giả nhỏ tuổi mang đến “làn gió mới” cho mảnh đất văn học thiếu nhi khi mà “dòng ngoại nhập” đang chiếm ưu thế.
Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2020, vinh danh một tác giả 12 tuổi, đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đối với Ban Giám khảo giải thưởng, bản thảo “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” của tác giả Cao Khải An “viết thông minh”, “đầy bất ngờ", và khi ra mắt, cuốn sách lại tiếp tục “chinh phục” độc giả. Sự cuốn hút đến ngay từ những dòng mở đầu:
“Tên cúng cơm là Cao Khải An. Sanh ở trong thùng rác, có kèm theo một tờ giấy, ghi là sanh vào ngày 25/1/2009, và con được ba má nhặt về, tắm một ký xà bông còn chưa hết hôi thúi”. (“Truyền thuyết của bà ngoại”).
Tác giả 12 tuổi bắt đầu tác phẩm với “truyền thuyết” của bà ngoại, kể về chuyện con được sinh ra thế nào, về bộ trống gỉ sét, cũ xì đã giúp ông ngoại “cua” được bà ngoại ra sao..., từ đó đưa độc giả đến với thế giới của cậu bé Bắp với biết bao kỷ niệm và “kinh nghiệm xương máu”. Câu chuyện hồn nhiên của tuổi thơ được viết bởi trẻ thơ nên hết sức chân thực, “đúng tuổi” với những quan sát, khám phá, suy nghĩ, thắc mắc và nỗi sợ rất trẻ con. Và chính vì thế, các độc giả nhỏ tuổi như gặp chính mình khi đến với câu chuyện của Bắp.
Tác giả Cao Khải An, 12 tuổi và tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm”.
Một tác giả nhỏ tuổi khác được nhận Giải Sách hay năm 2020 cho hạng mục Sách thiếu nhi do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách Hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức là Nguyễn Khang Thịnh, 13 tuổi, với tác phẩm “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy”. Không nặng nề như những cuốn sách của tác giả người lớn viết cho trẻ em, “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” được độc giả nhỏ tuổi yêu thích vì viết về những suy nghĩ “điên rồ” nhất và những trò quậy “tung trời” của tuổi học trò như ngủ gật khi nghe thầy hiệu trưởng phát biểu, bị phạt, giấu bố mẹ bài bị điểm kém, trốn học, gặp bạn “đầu gấu”... Những trò quậy ấy cho thấy những thất vọng và hy vọng, niềm vui và nỗi buồn của các cô bé, cậu bé mà người lớn cần quan sát, lắng nghe, tôn trọng và chia sẻ cùng con.
Cũng trong năm 2020, Cao Việt Quỳnh, 12 tuổi, tạo nên bất ngờ cho làng văn khi “trình làng” tiểu thuyết “Người sao chổi”. Cao Việt Quỳnh đưa độc giả đến với cuộc chiến vũ trụ ly kỳ huyền ảo với các năng lực siêu nhiên. Ngay khi vừa ra mắt, “Người sao chổi” đã gây kinh ngạc bởi fantasy là thể loại văn học không “dễ chơi” lại được viết bởi một tác giả ở tuổi thiếu niên. Càng đặc biệt khi biết, đây là tiểu thuyết nhiều tập và cậu bé Cao Việt Quỳnh bắt đầu viết tác phẩm này từ khi 9 tuổi.
Trước Cao Khải An, Nguyễn Khang Thịnh, Cao Việt Quỳnh, làng văn Việt đã xuất hiện những tác giả nhỏ tuổi. Đầu tiên, không thể quên “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, khi 7 tuổi đã được công nhận là “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam”, và khi 11 tuổi được trao kỷ lục “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với cuốn sách song ngữ Anh - Việt “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”. Sau đó, Đỗ Nhật Nam tiếp tục viết các cuốn tự truyện như “Những con chữ biết hát”, “Bố mẹ đã cưa đổ tớ”, các tập thơ như “Đường xa con hát”, “Hát cùng những vì sao”, hay chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận trong “Hẹn hò nước Mỹ”, “Những bài học ngoài trang sách”...
Bằng tác phẩm “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” ra mắt năm 2012, cậu bé 11 tuổi Nguyễn Bình được nhiều người yêu quý gọi là “thần đồng tiểu thuyết” khi viết đến 3 tập sách dày hơn ngàn trang. Cô bé 13 tuổi Nguyễn Hoàng Trâm Anh sau khi thành công với tập sách đầu tay “Thư gửi người thiên cổ” đã cho ra mắt tập truyện ngắn “Nếu một ngày thiếu bạn”. Ở tuổi 12, cô bé Đan Thi đã thử sức với tập truyện ngắn “Nụ cười của thiên thần”, sau đó lại tiếp tục với “Nào hát lên giai điệu gió”. Còn “thi sĩ 14 tuổi” Đặng Chân Nhân ra mắt tập thơ song ngữ “Hình dung” gồm 17 bài thơ song ngữ Việt - Anh được bắt đầu viết từ lúc tác giả 8 tuổi, và 2 năm sau lại xuất bản tập thơ “Giờ thứ 38”...
Không vội bàn những điều quá lớn lao, những gì các “nhà văn trẻ em” viết đã thu hút được “độc giả trẻ em” có lẽ chính bởi người lớn khó có thể bắt chước trẻ em trong lối nghĩ, cách cảm. Khi không đồng điệu, khi bắt văn chương dành cho các em phải “tải” quá nhiều điều mà người lớn áp đặt thì tác phẩm khó cuốn hút được trẻ em. Những câu thơ: “Thử hình dung xem/ Mình đến từ tương lai/ Biết hết những điều mới mẻ/ Coi thời hiện tại như quá khứ.../ Còn nghìn điều để hình dung...” mà tác giả Đặng Chân Nhân viết cho thấy người lớn dễ coi mọi sự trong cuộc đời là mặc nhiên phải thế, trong khi thế giới của trẻ em luôn đầy ắp những điều mới mẻ, cần hình dung, khám phá và giải mã. Và như thế, trước những tác phẩm của trẻ em viết cho trẻ em, việc của người lớn là khích lệ, trân trọng và mở ra những “bệ phóng” để xuất hiện nhiều hơn nữa các cây bút thiếu nhi.