Cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ của quân và dân ta đã kết thúc cách đây nửa thế kỷ.
Sự kiện 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Để tưởng nhớ về những tháng ngày chiến đấu vì khát vọng giải phóng dân tộc, non sông liền một dải, các nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã hoàn thành tác phẩm “Lửa từ Thành cổ”, khắc họa đậm nét về trang sử bi tráng của dân tộc.
Dấu ấn của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972
81 ngày đêm ác liệt nhất, mỗi ngày một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, mỗi đại đội có từ 90 đến 120 chiến sĩ; những đại đội vượt sông tiếp bước dưới mưa bom bão đạn. Cứ đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót. Những chiến sĩ đi vào chiến trường khốc liệt đó tuổi đời còn rất trẻ để bảo vệ Thành cổ, máu thịt họ hòa tan trong hàng nghìn tấn bom mà kẻ thù trút xuống mảnh đất này.
Lật giờ từng trang lịch sử, rồi lặn lội tìm gặp các nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị để xây dựng bộ phim “Lửa từ Thành cổ”, các nghệ sĩ mặc áo lính mong muốn góp phần khắc họa lịch sử bằng hình, để thế hệ ngày nay hiểu rõ hơn về sự hy sinh của cha ông trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.
Đạo diễn, Trung tá Phạm Thanh Hùng cho biết: Phim không hẳn mô tả về cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mà thông qua bộ phim, “Lửa từ Thành cổ”, chúng tôi muốn nói đến ngọn lửa tinh thần cách mạng của những chiến sĩ trong những ngày tháng bảo vệ Thành cổ. Giờ đây, nhìn lại quá khứ, các cựu chiến binh nhớ lại tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Qua đó, thế hệ trước muốn trao truyền lại cho các thế hệ sau này để những thế hệ hiện tại và tương lai phần nào hiểu hơn về những sự hy sinh mất mát, giá trị của hòa bình ngày hôm nay.
Cảnh trong phim (ảnh chụp màn hình).
Trong phim, hầu như các nhân vật được phỏng vấn đều đã từng có mặt tại Thành cổ như: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung phong vào Quảng Trị và kết quả là rất nhiều tác phẩm ghi lại khoảnh khắc lịch sử được ra đời ở nơi mưa bom, bão đạn, thể hiện một đời cầm máy đầy nhiệt huyết; cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng anh dũng của quân và dân ta…
Trong bộ phim “Lửa từ Thành cổ”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính chia sẻ về thời điểm xung phong vào chụp ảnh ở chiến trường. Người nghệ sĩ này nói rằng, lúc đó ông khát khao ghi lại những khoảnh khắc của chiến trường nên đã tìm mọi cách để vào được trong Thành cổ, nơi chiến sự ác liệt nhất. Và nơi ấy, ông đã lưu giữ lại được những khoảnh khắc trong bức ảnh bức ảnh nổi tiếng "Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ".
Đây là một trong những bức ảnh đã đi vào lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ. “Bức ảnh đó nói lên sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ. Trong điều kiện bom đạn như thế nhưng lúc nào các anh có thể cười là họ cười. Một chiến sĩ nói rằng: Tôi cười với anh đây nhưng lát nữa có thể tôi hy sinh rồi. Nghe chiến sĩ nói vậy nên tôi nghĩ rằng, cần phải có một bức ảnh để lại cho thế hệ sau. Vì thế, tôi cố gắng thể hiện bằng được những tác phẩm nhiếp ảnh và bức hình "Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ" ra đời. Sau đó, tôi đi tiếp vào Thành cổ và ghi vào ống kính một số tác phẩm nữa như: Trận đánh trước Thành cổ; các hoạt động của bộ đội ta lúc đó như: Đọc thư trong hầm, cắt tóc cho nhau, đưa cơm lên trận địa…”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhớ lại.
Đoàn làm phim "Lửa từ Thành cổ".
Ông Nguyễn Văn Hợi, cựu chiến binh chiến đấu ở Quảng Trị kể lại: “Giữa cái sống và cái chết ở Thành cổ mong manh lắm. Lúc đó chúng tôi chỉ ước ao rằng, bom đạn đừng rơi vào công sự bởi vì lúc đó, tất cả cuộc sống, chiến đấu của chúng tôi là ở dưới hầm cho nên thấy đồng đội bị thương, tức là bom đánh trúng hầm hất các anh lên trên mặt đất. Nhìn đồng đội đau đớn vì bị trúng bom mà không ai có thể nhảy lên khỏi hầm để cứu được. Chúng tôi xác định sẽ hy sinh vì Tổ quốc”.
Đọc những dòng tâm sự của các cựu chiến sĩ từng tham gia vào “Mùa hè đỏ lửa” năm xưa trong bộ phim, trong lòng chúng tôi, thế hệ sinh ra khi đất nước đã thống nhất vô cùng nghẹn ngào. Cái giá của độc lập, tự do mà cha ông đi trước đã phải trả để hôm nay, đất nước có nền hòa bình là vô cùng lớn lao. Bằng những hình ảnh chân thực và thông qua lời kể của các nhân chứng, bộ phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ” tiếp tục khắc họa hình ảnh về ký ức thời hoa lửa của quân và dân ta.
Trao truyền ngọn lửa cho thế hệ mai sau
Là tác giả kịch bản của bộ phim, Trung tá Nguyễn Thu Dung, Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết: “Lửa từ Thành cổ” không chỉ là ngọn lửa khốc liệt của bom đạn, mà còn là ngọn lửa cháy mãi trong trái tim những người chiến sĩ đã có mặt ở đó, đã chiến đấu để bảo vệ Thành cổ. Ngọn lửa đó đã trở thành nỗi ám ảnh, là nguồn cảm hứng sáng tạo để đi vào thơ ca nhạc họa, phim ảnh… Ngọn lửa đó cần phải trao truyền lại vẹn nguyên cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó cũng chính là cảm xúc và trách nhiệm của những nhà làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân thể hiện trong tác phẩm phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ”.
Thế hệ ngày nay xem những hình ảnh về mùa hè đỏ lửa 1972 trong phim "Lửa từ Thành cổ".
“Tôi mong rằng khi xem phim, ngọn lửa đó sẽ được truyền sang khán giả. Khi bước chân đến Quảng Trị, đến Thành cổ, đến dòng sông Thạch Hãn, thế hệ ngày nay sẽ hiểu nơi đây đã có một cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và họ cần phải biết ơn vì điều đó. Nghệ thuật cần phải nuôi dưỡng được sự xúc động của con người đối với những giá trị của lịch sử”, nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung chia sẻ.
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Phim về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cũng đã được nhiều đơn vị sản xuất. Kể cả Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng đã có phim về Thành cổ.
Tuy nhiên, mỗi thước phim sẽ mang màu sắc khác nhau. Mỗi thế hệ đều phải có trách nhiệm lưu truyền câu chuyện về cuộc chiến đấu dũng cảm này cho các thế hệ tiếp sau bằng nhãn quan của thời đại, bằng cảm thức rung động của từng cá nhân sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật về cuộc chiến đấu này. Bởi thế, cùng là một câu chuyện nhưng cách kể của mỗi bộ phim sẽ khác nhau.
“Đối với “Lửa từ Thành cổ”, chúng tôi mong muốn kể cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu được rằng thế hệ cha ông họ đã trải qua những hy sinh khốc liệt đến thế nào để cho họ có được ngày hòa bình như hôm nay. Họ cần phải được nhìn thấy bằng hình ảnh tất cả những khốc liệt đó, những hình ảnh tư liệu chiến tranh chân thực về bom đạn, về sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, để hiểu và cảm được cái tình đồng đội vì sao nó lại thiêng liêng đến thế, cái giá trị của hòa bình ngày hôm nay đáng quý thế nào”, nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung nhấn mạnh.
“Lửa từ Thành cổ” được thực hiện trong thời gian khoảng gần 2 tháng nhưng những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã khắc phục khó khăn để hoàn thành tác phẩm đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 / 1-5-2022).
Đạo diễn Phạm Thanh Hùng cho biết: Cuộc chiến đã kết thúc nửa thế kỷ, nhiều chiến sĩ năm xưa giờ tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn. Vì thế, để tìm được nhân vật cho những phỏng vấn trong phim là điều không đơn giản. Hơn nữa, thời điểm quay bộ phim đúng vào lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên những khung cảnh đông người không có… Tuy nhiên, ê kíp đã khắc phục khó khăn do điều kiện khách quan mang lại và “Lửa từ Thành cổ” chinh phục người xem bởi câu chuyện và những hình ảnh thấm đẫm màu sắc của lịch sử.
Xin được mượn lời những câu thơ trong bài hát “Cỏ non Thành cổ” của cố nhạc sĩ Tân Huyền để thay cho lời kết của bài viết: “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về”…
“Lửa từ Thành cổ”- tác phẩm điện ảnh của những người nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân và là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hòa bình, luôn tưởng nhớ, biết ơn sự hy sinh anh dũng, tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ đi trước.