Sau hai tuần cống hiến cho khán giả những tác phẩm đầy sáng tạo, cùng những cuộc trao đổi nghề nghiệp sôi nổi, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V - Hà Nội, 2022 đã khép lại. Giới nghề nước nhà không chỉ được phô diễn sáng tạo, mà còn học hỏi từ đồng nghiệp trong nước và quốc tế, từ đó khơi cảm hứng đổi mới sân khấu Việt Nam.
Vở “Đến bờ bên kia” của Đoàn kịch nói Hải Phòng có thiết kế sân khấu độc đáo. Ảnh: Thụy Du |
Thành công và chưa thành công
Liên hoan lần này có 6 đơn vị nước ngoài đăng ký, nhưng do yếu tố khách quan mà chỉ còn 4 đại diện của Ba Lan, Italia, Singapore và Hàn Quốc tham gia. Bù lại, nước chủ nhà Việt Nam tham gia khá đông đảo, với 16 đơn vị nghệ thuật và 15 vở diễn thuộc nhiều loại hình, như kịch nói, cải lương, xiếc, múa rối... Trong đó, có vở diễn phối hợp dàn dựng với nghệ sĩ quốc tế.
Những thử nghiệm mới mẻ, đột phá trong các vở diễn là “nhân vật” chính của liên hoan. Ở các tác phẩm từ châu Âu, “Câu chuyện biển khơi” (Ba Lan) và “Anh em nhà Lehman” (Italia) đều dựa vào hành động sân khấu (không hoặc ít thoại) để thể hiện. Các nghệ sĩ Ba Lan hướng đến đối tượng thiếu nhi và gia đình nên tác phẩm nhiều màu sắc, hài hước. Còn vở diễn của Italia chỉ có hai nghệ sĩ nhưng hấp dẫn khán giả suốt 60 phút bởi tài nghệ diễn xuất hình thể. Vở “Họa bì” (Singapore) với câu chuyện quen thuộc, nhưng được thể hiện bằng múa kết hợp với các bài hát, âm nhạc, tình huống kịch tính. Trong khi vở “Then there were none” (tạm dịch: Sau đó không có gì) của Hàn Quốc thử nghiệm diễn kết hợp người và rối…
Đáng ghi nhận, các đơn vị nghệ thuật Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn khi đến với liên hoan đòi hỏi nhiều sự mới mẻ này. Đoàn kịch LucTeam với vở “Antigone” tiếp tục khẳng định phong cách biểu hiện, ước lệ về không gian, thời gian với sân khấu tối giản. Một câu chuyện ở phương Tây ra đời cách đây 2.500 năm, nhưng được thể hiện đầy hiện đại khi kết hợp cách diễn thoại, nhảy, múa, ca hát kịch với nét tinh túy của nghệ thuật tuồng, chèo truyền thống.
Vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) là sự thử nghiệm táo bạo khi diễn viên có thể vừa đu bay, vừa ca cải lương ngọt ngào. “Truyền tích nàng Thơm” (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An) kết hợp giữa cải lương, xiếc, âm nhạc truyền thống Việt Nam với nhạc kịch phương Tây trên sân khấu màn hình LED hiện đại.
Kịch “Hedda Gabler” (Nhà hát Tuổi trẻ) từ tác phẩm kinh điển của nhà viết kịch Na Uy Ibsen viết cách đây 130 năm, được đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng trên sân khấu nghiêng, đạo cụ tối giản, thoại nhanh, tình tiết gay cấn, khiến khán giả không rời mắt. “Độc thoại đêm” (Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh) và “Giác” (Hội Sân khấu Hà Nội) gây ấn tượng với một nghệ sĩ chính diễn xuyên suốt…
Những thử nghiệm cho thấy nhiều nỗ lực sáng tạo, song không phải tất cả đều thành công. Có vở của các bạn quốc tế vẫn khá sơ sài, chưa đầu tư thỏa đáng. Một số vở diễn trong nước chỉ thử nghiệm đơn thuần, trộn các loại hình với nhau hoặc cách tân khác xa với nguyên gốc…
Một cảnh trong vở “Antigone” do Đoàn kịch LucTeam thực hiện. |
Tiếp tục khai phá, thử nghiệm
Khi mở ra sân chơi tầm quốc tế 3 năm/lần, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) kỳ vọng sẽ thổi niềm cảm hứng để sân khấu Việt Nam đổi mới, cách tân. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm là nơi các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế thể hiện tài năng, học tập kinh nghiệm về những thủ pháp sáng tạo, tìm tòi mang tính thử nghiệm, mang tới người xem những điều mới, lạ, đa dạng của nghệ thuật sân khấu.
Ở kỳ liên hoan này, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt sau những lần học hỏi trước. Nghệ sĩ Tú Quyên, đạo diễn và diễn viên chính vở cải lương “Độc thoại đêm” kể, cách đây 3 năm, bà đã ra Hà Nội để thưởng thức các vở diễn của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV. Sự cách tân mới lạ, hấp dẫn, đa dạng, phong phú của các vở diễn đã thôi thúc bà tìm tòi thử nghiệm để được xuất hiện tại liên hoan với tư cách nghệ sĩ. Nghệ sĩ Anna của Ba Lan chia sẻ, có cảm xúc ngọt ngào khi thưởng thức vở diễn “Độc thoại đêm” của nghệ sĩ Tú Quyên. Việc sử dụng một diễn viên chính cùng các nhạc công để tương tác giữa nhạc cụ và nhân vật là thử nghiệm khiến nghệ sĩ Ba Lan thích thú.
Về hướng cách tân sân khấu Việt, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, đạo diễn vở “Bản tình ca trên núi” (Nhà hát Múa rối Việt Nam) và “Lời thề” (Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng) nhận định, sân khấu thử nghiệm bằng cách kết hợp các loại hình, tính truyền thống và hiện đại, ít lời hoặc không lời… vẫn phải làm rõ được thông điệp và đích cuối cùng là hướng đến khán giả, khiến họ thấy thích thú, hấp dẫn và đến với sân khấu.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực (Đoàn kịch LucTeam) cho biết, muốn thu hút khán giả, thiết kế sân khấu phải gần người xem và có tính tương tác để khán giả hiểu được sức hấp dẫn của vở kịch qua biểu hiện của từng diễn viên. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà vị đạo diễn này nhất định dự thi vở “Antigone” tại Rạp Tuổi trẻ, bởi không gian ấy mới tạo sự tương tác hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông mong muốn, sau liên hoan, sân khấu Việt Nam sẽ thêm nhiều vở diễn mới với những trăn trở, khám phá để tìm ra thủ pháp dàn dựng, ngôn ngữ nghệ thuật mới cũng như xử lý hiệu quả những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin